Tài sản được đầu tư vào các ETF toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 10,320 tỷ USD nhờ thị trường chứng khoán phục hồi và dòng vốn chảy vào ổn định.
Con số này vượt mốc 10,260 tỷ USD được thiết lập vào cuối năm 2021, khi thị trường đạt đỉnh trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine và lạm phát toàn cầu gia tăng, theo dữ liệu từ công ty tư vấn ETFGI.
Deborah Fuhr, đối tác quản lý của ETFGI, cho biết: “Mức độ chấp nhận và ưa thích của nhà đầu tư đối với các ETF vẫn đang tiếp diễn và mạnh mẽ. Đồng thời, sự biến động của thị trường đã đẩy ETF lên cao kỷ lục”. Mặc dù được hỗ trợ bởi đà phục hồi của thị trường trong năm nay, song ông Fuhr cho rằng cột mốc quan trọng này cũng là minh chứng cho sự thành công của cấu trúc ETF.
Tài sản đầu tư vào các ETF toàn cầu đạt mức cao kỷ lục (đvt: ngàn tỷ USD)
Ngành ETF đã đạt đến một đỉnh cao mới trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ vẫn thấp hơn 7% so với mức kỷ lục hồi đầu tháng 01/2022 và Chỉ số MSCI All Country World thấp hơn 9% so với đỉnh cao của nó. Tương tự như vậy, Chỉ số FTSE World Government Bond đang giao dịch thấp hơn 23% so với đỉnh cao vào cuối năm 2020.
ETF cũng hoạt động tốt hơn so với các cấu trúc quỹ khác. Ví dụ, tài sản của các quỹ tương hỗ tại Mỹ là 23,500 tỷ USD vào cuối tháng 4 năm nay, theo Investment Company Institute. Con số này giảm 12.8% so với mức 27,000 tỷ USD mà loại quỹ này đạt được vào cuối năm 2021.
Hầu hết ETF đều tương tự các quỹ tương hỗ, ở điểm chúng có danh mục đầu tư rộng lớn gồm cổ phiếu, trái phiếu hoặc hợp đồng tương lai hàng hóa. Một số quỹ mới hơn thậm chí đầu tư vào các tài sản thay thế, như tiền ảo hoặc công cụ phái sinh hoặc có khả năng tiếp cận đòn bẩy đối với các chứng khoán đơn lẻ.
Tuy nhiên, ETF giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán, có tính thanh khoản trong ngày và thường minh bạch hơn, rẻ hơn, và ở Mỹ, nó hiệu quả hơn so với các quỹ tương hỗ xét về khía cạnh thuế.
Trên cơ sở toàn cầu, các ETF hút ròng vốn trong 48 tháng liên tiếp, theo dữ liệu của ETFGI. “Không có sản phẩm đầu tư nào có thể làm được như vậy”, ông Fuhr nói.
Todd Rosenbluth, giám đốc nghiên cứu của VettaFi, cho biết: “Đó là một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi, và ETF đã trở thành một phần cốt lõi trong danh mục của nhiều nhà đầu tư”.
“Vào năm 2022, khi hầu hết ETF giảm giá trị, chúng tôi đã nhận thấy dòng vốn chảy vào mạnh mẽ. Khi các nhà đầu tư nhận thấy lợi nhuận cao hơn vào năm 2023, họ đã gia tăng vị thế hiện có, hoặc thêm các vị thế mới”, ông nói.
Những khoản đầu tư này, kết hợp với sự phục hồi của thị trường, đã giúp các ETF lập kỷ lục trên nhiều thị trường riêng lẻ cũng như trên toàn cầu.
Tại Mỹ, tài sản đầu tư vào các ETF đã đạt 7,270 tỷ USD, cao hơn mức 7,210 tỷ USD vào cuối năm 2021. Ở châu Âu, con số này là 1,620 tỷ USD, cao hơn mức cao nhất trước đó là 1,600 tỷ USD. Ở Canada, có 277 tỷ USD hiện được giữ trong các ETF, cao hơn mức đỉnh lịch sử là 273 tỷ USD. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, như Nhật Bản, con số hiện tại vẫn thấp hơn mức cao đươc ghi nhận trước đó.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của các ETF được quản lý chủ động đã cho phép ngành này mở rộng ra khỏi việc chỉ theo dõi các chỉ số truyền thống.
Theo dữ liệu của ICI, các nhà đầu tư đã rót ròng 609 tỷ USD vào các ETF được niêm yết tại Mỹ vào năm ngoái, ngay cả khi thị trường lao dốc. Trong cùng kỳ, các quỹ tương hỗ tại Mỹ bị rút kỷ lục 1,100 tỷ USD.
Theo ETFGI, bất chấp sự phục hồi của thị trường năm nay, dòng vốn ETF ròng toàn cầu đã giảm xuống còn 273 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, từ mức 418 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022 và mức kỷ lục 572 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, ông Rosenbluth cho rằng: “Triển vọng ETF tiếp tục thiết lập các mốc quan trọng trong những năm tới có vẻ rất tươi sáng”.
Theo FT