UBS Group AG thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse. Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tạo ra một gã khổng lồ trong ngành quản lý tài sản toàn cầu.
Ngân hàng Thụy Sỹ này đã thông báo hoàn tất thỏa thuận trong lá thư gửi tới các tờ báo địa phương và quốc tế trong ngày 12/06. Thương vụ này cũng chấm dứt sự tồn tại độc lập của ngân hàng 167 tuổi Credit Suisse.
Thông báo từ UBS khép lại hai tháng đầy bất ổn cho các nhân viên từ cả hai ngân hàng. Hồi tháng 3/2023, UBS đồng ý thâu tóm Credit Suisse trong một thương vụ do Chính phủ Thụy Sỹ khởi xướng. Động thái này diễn ra sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng niềm tin và hàng loạt vụ rút tiền của khách hàng. Khi đó, Credit Suisse đứng trước nguy cơ phá sản.
Là người đứng đầu của ngân hàng hợp nhất, Sergio Ermotti – CEO UBS – giờ phải lãnh nhiệm vụ dàn xếp những chồng chéo trong các mảng hoạt động của ngân hàng hợp nhất, phải ra quyết định giữ và bỏ mảng hoạt động nào.
Được Chính phủ Thụy Sỹ cấp khoản bảo lãnh trị giá 10 tỷ USD
Trong thỏa thuận tiến tới vào ngày 09/06, Chính phủ Thụy Sỹ đồng ý bù lỗ cho một danh mục tài sản cụ thể của Credit Suisse – lượng tài sản này chỉ chiếm 3% tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất.
Theo thông báo trước đó, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ cấp cho UBS khoản bảo lãnh trị giá 9 tỷ Francs để bù đắp cho các chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản của Credit Suisse, theo đó hoàn tất việc tiếp quản. Khoản bảo lãnh sẽ chỉ có hiệu lực nếu tổn thất từ việc thanh lý các tài sản này ở trong khoảng 5 – 9 tỷ Francs.
Ông Ermotti cho biết “khả năng rất cao” là UBS không cần tới khoản bảo lãnh này. Tuy vậy, việc được Chính phủ Thụy Sỹ hậu thuẫn sẽ giúp khôi phục niềm tin của thị trường trong lúc họ tiến hành giai đoạn chuyển đổi.
Động thái cam kết bù lỗ của Chính phủ Thụy Sỹ là cần thiết vì khi đó, UBS có ít thời gian để rà soát kỹ lưỡng và Credit Suisse cũng có các tài sản khó định giá trong sổ sách. Hiện tại, UBS sẽ đánh giá toàn diện về mảng kinh doanh của Credit Suisse, bao gồm cả các khoản vay và khách hàng. Từ đó, họ sẽ ra quyết định nên giữ và bỏ mảng hoạt động nào.
Giới chức Thụy Sỹ cũng đang trong quá trình xem xét điều chỉnh với yêu cầu về thanh khoản, vốn và cách tính tài sản chịu rủi ro (RWA) đối với ngân hàng hợp nhất.
Trước đó, UBS cho biết họ định giảm rủi ro ở mảng ngân hàng đầu tư, đồng thời chiếm quyền kiểm soát mảng kinh doanh mà nhân viên Credit Suisse đang làm việc với khách hàng. Cụ thể, UBS có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt hơn với một số khoản vay cụ thể và khách hàng ở một số quốc gia.
Ermotti cho biết vì sự khác biệt trong khẩu vị rủi ro, UBS có thể không nhận lấy toàn bộ khách hàng của Credit Suisse. Chủ tịch Colm Kelleher cho biết nhân viên sẽ được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo họ phù hợp với UBS.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp về văn hóa vững mạnh, cách tiếp cận rủi ro thận trọng hoặc chất lượng dịch vụ của UBS”, UBS cho biết trong lá thư.
UBS cũng vẫn chưa đưa ra quyết định về tương lai của mảng ngân hàng Thụy Sỹ mà họ mua lại từ Credit Suisse. Đây là mảng liên tục có lãi của Credit Suisse và đóng vai trò hàng đầu trong việc cấp vốn cho các công ty và hộ gia đình Thụy Sỹ.
Lúc đầu, UBS dự tính hợp nhất hoàn toàn mảng ngân hàng Thụy Sỹ, nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm. Ông Ermotti cho biết họ đang cân nhắc tất cả phương án, bao gồm cả bán hoặc chia tách. UBS cho biết sẽ đưa ra quyết định vào quý 3/2023.
Theo Bloomberg