Khi hạn vỡ nợ 1/6 đang đến gần, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD. Hạn vỡ nợ gần đến
Chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ đến thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính quyền liên bang vỡ nợ (ngày 1/6). Tuy nhiên, hiện cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận nâng trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã kết thúc cuộc thảo luận trong ngày 22/5 mà không đạt được thỏa thuận nào về trần nợ chỉ 10 ngày trước khi nguy cơ vỡ nợ có thể nhấn chìm nền kinh tế Hoa Kỳ, theo Reuters.
“Tôi cảm thấy chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hiệu quả và chuyên nghiệp, nhưng vẫn chưa thể tiến tới thoả thuận”, McCarthy trả lời các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Biden. Ông cho biết các nhóm chuyên trách Quốc hội và Nhà Trắng vẫn sẽ tiếp tục làm việc và nói thêm “Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể đạt được kết quả mong muốn”.
Nếu Tổng thống Biden và ông McCarthy đạt được thỏa thuận, sẽ mất vài ngày để Quốc hội Mỹ thông qua dự luật. Theo ông McCarthy, phải đạt thỏa thuận trong tuần này để Quốc hội thông qua và Tổng thống Biden ký thành luật kịp thời nhằm tránh vỡ nợ.
Vẫn không thể tìm ra tiếng nói chung
Hai đảng đã gặp phải những khó khăn trong nỗ lực đàm phán nâng trần nợ công suốt thời gian qua.
Đảng Cộng hòa gây áp lực buộc Nhà Trắng phải đồng ý cắt giảm chi tiêu, thu hồi các khoản ngân sách đã phân bổ để cứu trợ dịch Covid-19 nhưng chưa được chi tiêu. Đồng thời muốn áp đặt giới hạn lên mức chi tiêu trong tương lai của chính quyền liên bang. Ngoài ra, đảng Cộng hòa muốn siết chặt hơn các quy định và tiêu chuẩn đối với các đối tượng nhận hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Tổng phống Biden khẳng định, ông sẵn sàng cắt giảm chi tiêu của chính phủ và điều chỉnh thuế để đạt được thỏa thuận về trần nợ, nhưng đề nghị mới nhất từ đảng Cộng hòa là “không thể chấp nhận được”.
“Đảng Cộng hòa phải chấp nhận rằng không có thỏa thuận lưỡng đảng nào có thể được thực hiện nếu họ chỉ khăng khăng đạt được những gì mình muốn. Họ cũng phải nhượng bộ”, ông Biden nói trong một cuộc họp báo ở Hiroshima, Nhật Bản.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói rằng ông có thể sẽ trao đổi với ông Biden mỗi ngày, nhưng không sẵn sàng cân nhắc kế hoạch của ông Biden về cắt giảm thâm hụt bằng cách tăng thuế lên người giàu và bịt lỗ hổng về thuế trong ngành công nghiệp dầu khí và dược phẩm.
Tổng thống Biden cũng khẳng định có quyền kích hoạt Tu chính án 14 để vượt quyền quốc hội và tránh việc Mỹ vỡ nợ, nhưng ông cũng thừa nhận biện pháp này đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và không phải lựa chọn có thể sử dụng trong thời gian ngắn.
Theo Tu chính án 14, Tổng thống Mỹ được vượt quyền quốc hội nếu việc Nhà Trắng và quốc hội Mỹ không thể nâng trần nợ bị coi là vi hiến. Khi đó, Bộ Tài chính Mỹ có thể tiếp tục vay tiền vượt trần nợ để duy trì hoạt động của chính phủ.
Trước đó, trong bức thư gửi tới Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen một lần nữa nhấn mạnh về sự cấp bách của Mỹ trong việc nới trần nợ công. Vị quan chức cho biết “rất có khả năng” cơ quan do bà đứng đầu khó đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của chính phủ vào đầu tháng 6. Bà hối thúc, nâng trần nợ là bắt buộc.
Theo investing