Giá cả tại Argentina, nơi lạm phát hơn 100%, thay đổi theo ngày, còn đồng peso mất giá tới mức người dân không thể nhét tiền tiêu vặt vào túi quần vì quá nhiều.
Rất ít người biết 220.000 USD tiền mặt trông như thế nào. Nhưng Ana (50 tuổi) thì rất rõ. Bà đã đem một balo tiền tiết kiệm bằng USD để mua đất xây nhà ở Patagonia (Argentina), không đặt cọc, không trả góp. Bên trong balo là 22 cọc tiền loại 100 USD xếp chồng lên nhau.
“Ở đây làm gì có ai vay ngân hàng. Tôi đã tiết kiệm 20 năm để mua mảnh đất đó”, cựu giáo viên mầm non này cho biết trên ABC News. Tại Argentina, phần lớn người dân mua nhà đất bằng tiền mặt.
Khi được hỏi về sự an toàn trong giao dịch số tiền mặt lớn như vậy, bà Ana nói: “Việc này lúc nào cũng rủi ro”.
Theo ABC News, đây chỉ là một trong những câu chuyện kỳ lạ tại nền kinh tế đang trải qua lạm phát hơn 100% – cao nhất 32 năm qua. Vấn đề lớn nhất hiện tại là dường như không còn ai quan tâm đến giá mọi thứ nữa.
Giá cả ở đây tăng hàng ngày, đến nỗi cuối ngày, nhiều người chẳng còn biết đồ này giá bao nhiêu. “Bạn không bao giờ mua đồ ở một chỗ. Bạn so sánh 5-6 siêu thị với nhau. Nó như một cuộc săn tìm kho báu ấy, đi chỗ này mua trứng, đi chỗ kia mua nước giặt. Nhưng rút cục, bạn vẫn cứ phải mua thôi vì chẳng biết giá đó là đắt hay rẻ”, Guido Mazzei (39 tuổi), quản lý các căn hộ cho thuê ở Buenos Aires cho biết.
Với người bán, cuộc sống cũng chẳng dễ dàng hơn. Mỗi tháng, Rudy Rindlisbacher – chủ một hãng thép tại thành phố Trenque Lauquen – lại ngồi bàn bạc cùng con trai để điều chỉnh giá sản phẩm.
“Phức tạp lắm. Vì chẳng có cách nào biết sản phẩm sẽ có giá bao nhiêu ở thời điểm nhập hàng. Các công ty lớn có thể giữ lại hàng, chưa bày lên kệ cho đến khi biết rõ chi phí tái nhập. Nhưng doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải bán liên tục. Chúng tôi cần sống”, ông nói.
Trước Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước, Argentina còn thuộc nhóm 10 nước có GDP bình quân cao nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ thập niên 50, nước này liên tiếp chìm trong suy thoái và vỡ nợ.
50 năm qua, Argentina thường xuyên vật lộn với giá cả tăng. Những năm 1980, lạm phát tại đây lên tới mức không tưởng là 3.000%. Từ năm 2008, quốc gia này ghi nhận lạm phát trên 30% mỗi năm.
Người Argentina tiêu peso ngay khi nhận được. Họ không tin ngân hàng, hiếm khi dùng thẻ tín dụng. Và sau nhiều năm lạm phát, họ cũng quên luôn việc giá cả mọi thứ lẽ ra nên ở mức nào. Hàng triệu người Argentina đã tìm đến thị trường chợ đen để lách luật mua USD của chính phủ.
Lạm phát ở Argentina cũng có cùng nguyên nhân với thế giới. Đó là chiến sự tại Ukraine, căng thẳng chuỗi cung ứng và chi tiêu công tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng vấn đề còn nằm ở chính nước này. Quốc gia này đang chi nhiều hơn thu. Y tế, giáo dục, năng lượng, dịch vụ công ở đây được trợ giá mạnh tay hoặc miễn phí. Vì thế, để bù đắp thiếu hụt, họ lại tăng in peso.
Đến năm 2022, Bộ trưởng Kinh tế nước này – Sergio Massa – mới cam kết không yêu cầu ngân hàng trung ương in thêm tiền để phục vụ chi tiêu công. Ngân hàng Trung ương Argentina đầu tuần này cũng nâng lãi suất tham chiếu lên 97% để đối phó lạm phát.
Các nhà phân tích đến nay vẫn chia rẽ về cách giải quyết vấn để ở Argentina. Nhưng phần lớn đồng ý rằng quốc gia này thiếu quyết tâm chính trị. “Hiểu được khía cạnh xã hội của vấn đề này là việc rất quan trọng. Điều không may là Argentina có lịch sử lạm phát dài đến nỗi nhiều thế hệ người dân coi việc lạm phát 30% là bình thường”, Adam Fabry – Giảng viên kinh tế tại Đại học Quốc gia Chilecito nhận xét.
Tuy nhiên, Benjamin Gedan – Giám đốc Dự án Argentina và Mỹ Latin tại Trung tâm Nghiên cứu Wilson tin rằng lạm phát 3 chữ số sẽ là dấu mốc cho nền kinh tế này. “Đúng là người Argentina đã quen với lạm phát cao, nhưng đó là mức 20-30% thôi. Còn 100% như hiện tại thực sự khiến cuộc sống đảo lộn”, ông nói.
Gedan cho biết các nhà hàng ở Buenos Aires thường xuyên kín khách, không phải vì mọi người giàu có, mà là để ‘quema la plata’ (đốt tiền). Rất nhiều người Argentina đang tiêu tiền như thể sắp tận thế. Họ mua mọi thứ từ khăn mặt đến TV bằng cách trả góp.
“Nhà thì mua bằng tiền mặt, trả hết một lần. Nhưng những đồ giá trị nhỏ lại được mua trả góp hàng tháng trong nhiều năm”, Guido nói. Nguyên nhân là người Argentina cho rằng giá peso sẽ giảm và các khoản trả góp cuối cùng của họ có giá trị rất thấp, nếu quy đổi ra USD.
Rudy mua một chiếc Toyota HiLux cách đây 1,5 năm với giá 4,5 triệu peso. Hiện tại, giá của nó đã lên tới 12 triệu peso. “Cách tốt nhất để tiết kiệm tiền là mua đồ”, ông nói.
Để đối phó lạm phát, người Argentina tìm cách tích trữ USD. Nhiều chuyên gia tin rằng người Argentina nắm giữ USD nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới ngoài Mỹ. “Không chỉ các doanh nghiệp giàu có, lái xe taxi, chủ cửa hàng tạp hóa cũng nắm USD”, Gedan nói.
Những tờ USD này không được cất trong ngân hàng, vì nếu theo tỷ giá chính thức, chúng sẽ chỉ có giá trị bằng một nửa. Người Argentina để chúng trong quần áo cũ, cất dưới đệm, trong tường nhà, sàn nhà và két sắt. Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất ở Argentina – 1.000 peso – hiện có giá chưa đầy 2,4 USD trên thị trường chợ đen. Hồi tháng 2, Ngân hàng Trung ương Argentina cho biết có kế hoạch ra mắt tờ 2.000 peso.
Với Rudy, việc nhét đủ peso để tiêu trong ngày vào túi quần cũng là điều khó khăn. “Một đống tiền mà chẳng có mấy giá trị”, ông phàn nàn.
Vài năm gần đây, ngày càng nhiều người Argentina tìm cách di cư sang nước ngoài. “Phần lớn bạn bè và người thân của tôi sẽ rời Argentina. Chúng tôi cũng đang nộp đơn xin cấp quốc tịch Italy. Tôi muốn các con lớn lên ở nơi tốt đẹp hơn”, Vanesa Barrios – Giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ leo núi tại Mendoza cho biết.
Dù vậy, không phải ai cũng có điều kiện ra nước ngoài. Nhóm chịu tác động nặng nề nhất từ lạm phát là người nghèo. “Họ không có công đoàn, làm việc trong các ngành nghề phi chính thức và chẳng thể đàm phán lương. Lạm phát khiến số tiền họ kiếm được bốc hơi chỉ trong nháy mắt”, Gedan nói.
Xem thêm các tin thế giới tại đây.