Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu, trong khi đó, việc giải quyết nợ xấu vẫn thực hiện trên sổ sách giữa VAMC và ngân hàng, các chuyên gia cho rằng cần mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư. Những doanh nghiệp niêm yết nào sẽ hưởng lợi từ Quy hoạch Điện VIII? Tỷ giá USD ngày 18/5: Tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức mới nhất trong phiên giao dịch hôm nay thứ Năm ngày 18/5.
-
Thị trường mua bán nợ xấu Việt Nam chưa có dấu hiệu khởi sắc
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2023 là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022). Tuy nhiên, tính gộp tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Theo Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết chất lượng tài sản suy giảm, song vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, việc xử lý nợ xấu khó khăn, các chuyên gia cho rằng, nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ. Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam phân tích: Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng, nhưng đến nay Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu.
Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Thay vào đó, các chủ thể xử lý nợ xấu chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Do đó, thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa. Ông cũng lưu ý, thời điểm này có thể là lúc Việt Nam phải cho thế giới thấy đang thực sự nghiêm túc trong vấn đề xử lý nợ xấu, muốn hoạt động kinh doanh nợ xấu thực sự diễn ra.
Về giải pháp, ông Darryl Dong cho rằng, ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.
-
Những doanh nghiệp niêm yết nào sẽ hưởng lợi từ Quy hoạch Điện VIII?
Ngày 15/5, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chính thức được phê duyệt. Đây được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành điện cũng như nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Vậy những doanh nghiệp niêm yết nào sẽ hưởng lợi từ Quy hoạch Điện VIII?
Nhóm xây lắp điện được hưởng lợi đầu tiên
Truyền tải lưới điện là vấn đề quan trọng cần xây dựng để hệ thống điện được vận hành trơn tru. Theo QHĐ VIII, giai đoạn 2021 – 2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031 -2050 với nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 – 523,1 tỷ USD.
Khi các vướng mắc về chính sách được giải quyết, Tập đoàn PC1 (HM:PC1) và CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HM:TV2) là những doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi khi tham gia vào lĩnh lực xây lắp điện, đặc biệt là EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp. Bên cạnh là nhà thầu EPC điện gió, PC1 sẽ tiếp tục mở rộng danh mục điện tái tạo theo chiến lược dài hạn.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát hơn 1.000 MW điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, nhằm bắt kịp xu hướng chuyển dịch năng lượng. Dù vậy, khác với TV2, PC1 có sự gia tăng quy mô vốn tăng mạnh trong vài năm qua với khoản nợ vay lên đến hơn 11.300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu hơn 1,5 lần, điều này đang gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của PC1 trong bối cảnh lãi suất cao.
Điện khí sẽ được ưu tiên phát triển mạnh giai đoạn 2022 – 2035
Theo quy hoạch, các nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn phát triển trong giai đoạn 2022 – 2035. Với việc QHĐ VIII được thông qua, theo dự báo từ công ty Chứng khoán KBSV giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt dự án điện khí.
Trong đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (HM:POW) sẽ hưởng lợi với dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 đi tiên phong và dự án LNG Quảng Ninh.
Ngoài ra, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HM:GAS) sẽ là bên phân phối khí đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện trong nước như Nhiệt điện Ô Môn I, II, III và IV; Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp (TBKHH) Dung Quất I, II, III; TBKHH Miền Trung I, II và TBKHH Quảng Trị cũng được đánh giá là hưởng lợi từ QHĐ VIII.
Nhóm điện than vẫn sẽ duy trì tỷ trọng chính trong ngắn hạn
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành điện khi QHĐ VIII được phê duyệt từ Chứng khoán KBSV. Mặc dù trong dài hạn chính phủ sẽ cắt giảm mạnh mẽ điện than hướng tới mục tiêu giảm phát thải, tuy nhiên trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát.
Hiện tại trong 3 tháng đầu năm, nhiệt điện than được huy động nhiều nhất, chiếm 45,3% sản lượng toàn ngành điện.
Trên thị trường chứng khoán, ba doanh nghiệp ngành điện than đang niêm yết là Nhiệt điện Hải Phòng (HND), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HM:PPC) và Nhiệt điện Quảng Ninh (HN:QTP). Các công ty này đang cho thấy kết quả biên lãi gộp suy giảm trong giai đoạn 2016 – 2022 trong bối cảnh giá than đầu vào neo cao.
Từ tháng 4/2023, diễn biến giá than thế giới đang có xu hướng giảm và dự báo sẽ hỗ trợ triển vọng doanh nghiệp nhiệt điện than thời gian ngắn tới.
Điện gió được ưu tiên phát triển trong nhóm NLTT
Điện gió là điểm nhấn chính trong nhóm NLTT, sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn 2023 – 2050, đặc biệt là sau năm 2030. Theo nhận định của các chuyên gia, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án NLTT sẽ có lợi thế trong việc đấu thầu nhờ huy động được các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ. Một số doanh nghiệp hàng đầu trong ngành với tiềm năng có thể kể đến là CTCP Cơ điện lạnh (HM:REE), CTCP Điện Gia Lai (HM:GEG), Tập đoàn Hà Đô (HM:HDG),…
Với REE, danh mục 18 công ty liên doanh liên kết (hầu hết là mảng thủy điện) đóng góp 900 – 1.000 tỷ đồng lợi nhuận cho tập đoàn giai đoạn 2018 – 2022.
Điện Gia Lai (GEG) đang vận hành và xây dựng 23 nhà máy NLTT đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và điện gió tại 14 tỉnh thành với tổng công suất gần 750 MWp. Cơ cấu doanh thu của Điện Gia Lai cho thấy khoảng 94% nguồn thu đến từ bán điện. Hiện GEG sở hữu danh mục NLTT chuyển tiếp sẵn sàng vận hành trong 2023 – 2024: Điện gió VPL Bến Tre Giai đoạn 2 (30 MW) và Điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MWp).
Tuy nhiên đòn bẩy tài chính lớn với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu trên 2 lần trong bối cảnh lãi suất ở mức cao gây áp lực tới tăng trưởng lợi nhuận của công ty này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sản lượng huy động các dự án giá FIT (HM:FIT) cao có thể giảm do cạnh tranh từ các dự án chuyển tiếp có giá thấp hơn.
Ngoài kinh doanh bất động sản, Tập đoàn Hà Đô (HDG) còn phát triển mảng năng lượng với 462 MW, bao gồm 314 MW thuỷ điện, 50 MW điện gió và 98 MWp điện mặt trời (quy đổi khoảng 82MW). Trong năm 2022 và quý I/2023, mảng NLTT đã đóng góp 57 – 59% doanh thu của tập đoàn, vượt qua mảng bất động sản đang gặp khó.
Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3 – PGV (HM:PGV)) là đơn vị sở hữu các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí và cả thủy điện cùng điện mặt trời. Một trong 5 đinh hướng được đề ra trong chiến lược phát triển trung dài hạn của tổng công ty là chuyển dịch năng lượng sạch và đầu tư xây dựng dự án và đây là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn phát triển mới của EVNGENCO3. Định hướng của EVNGENCO3 phát triển phù hợp theo QHĐ VIII. Ở giai đoạn đầu, các nhà máy nhiệt điện than sẽ được ưu tiên đầu tư với mục tiêu đảm bảo phát thải bằng cách nâng cấp công nghệ, cải tiến thiết bị môi trường, thu giữ cacbon. Công nghệ đốt trộn Amonia, đốt trộn Biomass cũng sẽ được nghiên cứu áp dụng.
CTCP Bamboo Capital (HM:BCG) hiện tại đang là công ty mảng năng lượng tái tạo niêm yết có quy mô công suất lớn top đầu ngành và đã đưa vào hoạt động 592 MW bao gồm 4 dự án BCG Long An 1 (40,6MW), BCG Long An 2 (100,5MW), Phù Mỹ 1 (216 MW) và BCG Vĩnh Long (49,3 MW) cùng một số dự án điện mặt trời áp mái. Ngoài ra, BCG cũng đang sở hữu một danh sách các dự án điện gió đang được triển khai bao gồm Khai Long Cà Mau (GD1) và Trà Vinh (GD1) với tổng công suất 180 MW.
Chính sách giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẽ là cơ hội cho BCG khi doanh nghiệp đang sở hữu dự án trễ giá FIT bao gồm Phù Mỹ 2, Krong Pa 2 đã sẵn sàng để hòa lưới điện khi có cơ chế giá chuyển tiếp, giúp giảm áp lực dòng tiền cho BCG. Tuy nhiên, BCG cũng đang chịu áp lớn với việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong nhiều năm nay. Hiện BCG đang đi vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Công ty cũng đang vay thêm các gói vay từ ngân hàng quốc tế với trị giá 50 triệu USD.
Năm ngoái, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HN:PVS) đã bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính để đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng dựa vào lợi thế về cơ sở vật chất cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ. Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh, PVS hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, PVS đã bắt đầu tham gia sâu hơn vào lĩnh vực EPC điện gió với gói thầu 2 trạm biến áp ngoài khơi của dự án Hải Long (giá trị 50 triệu USD) hay gần nhất là gói thầu xây dựng 32 chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi của Orsted Taiwan Limited (giá trị 300 triệu USD). Các dự án này được ghi nhận trong giai đoạn 2023 – 2024.
-
Tỷ giá USD ngày 18/5: Tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND (HM:VND)) và đô la Mỹ (USD) sáng 18/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.672 VND/USD, tăng 6 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.855 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.488 VND/USD.
Sáng nay, giá đồng bạc xanh tại Vietcombank (HM:VCB) được niêm yết ở mức 23.260 – 23.630 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 5 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Giá đồng NDT được niêm yết ở mức 3.283 – 3.423 VND/NDT (mua vào – bán ra), giảm 11 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Tại BIDV (HM:BID), giá đồng USD được niêm yết ở mức 23.300- 23.600 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với cuối phiên hôm qua.
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.296 – 3.406 VND/NDT (mua vào – bán ra), giảm 2 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Theo investing