Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái. Tuy nhiên, có nhiều “cơn gió ngược” đang chống lại ông: ngành ngân hàng nhiều bất ổn, các chính trị gia bất đồng về trần nợ và thậm chí là cả thời tiết.
Theo quan điểm của ông Powell, sức mạnh của thị trường lao động Mỹ – được thể hiện mức tăng trưởng tốt trong tháng trước – sẽ dọn đường để nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “ha cánh mềm” dù chỉ trong hơn 1 năm lãi suất cơ bản đã tăng vọt từ gần 0 lên trên 5%.
“Lần này có thể thật sự rất khác”, ông nói với báo giới tuần trước, sau quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp.
Tuy nhiên, với thị trường lao động như hiện nay, tiền lương sẽ tăng lên, đồng nghĩa Fed sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát. Đó chính là lý do để nguy cơ suy thoái tăng cao. Và để dự báo lạc quan của ông Powell trở thành hiện thực, nền kinh tế Mỹ còn phải vượt qua được 3 chướng ngại vật lớn đe dọa đẩy Mỹ vào suy thoái trong nửa cuối năm 2023.
Trước tiên là tình trạng khan hiếm tín dụng. Với 2 tác động kép là Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều ngân hàng sụp đổ, khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là trong ngành bất động sản thương mại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thứ hai là bế tắc trần nợ ở Washington. Sự phân cực chính trị đe dọa sẽ gây nên 1 thời kỳ căng thẳng nghiêm trọng về tài chính. Nếu như Mỹ thực sự vỡ nợ chính phủ, tác động lên nền kinh tế và thị trường tài chính có thể tương đương với khủng hoảng 2008.
Yếu tố cuối cùng tưởng chừng không liên quan nhưng lại khó lường nhất: hiện tượng El Nino. Biến đổi khí hậu đe dọa gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá hàng hóa tăng cao và ảnh hưởng đến công cuộc chống lạm phát của Fed.
Và nếu như 3 yếu tố nói trên đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, ông Powell và các đồng nghiệp ở Fed khó có thể làm gì để can thiệp. Cắt giảm lãi suất là công cụ chính để chống lại suy thoái, nhưng Fed sẽ khó có thể triển khai công cụ này nếu như vẫn chưa thể đưa lạm phát quay trở về mức mục tiêu.
Khan hiếm tín dụng – hệ quả của làn sóng ngân hàng sụp đổ
Lộ trình thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây vẫn luôn đi kèm với cái giá phải trả không hề nhỏ. Fed đã tăng lãi suất từ gần 0 lên trên 5% chỉ từ tháng 3 năm ngoái đến nay. Nhìn lại lịch sử, gần như không có trường hợp nào tăng lãi suất mạnh đến vậy mà không gây ra suy thoái.
Mối quan hệ nhân quả giữa lãi suất tăng và nền kinh tế co cụm rất dễ hiểu. Khi chi phí đi vay tăng và giá tài sản giảm, chi tiêu sẽ hụt hơi và các doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm. Đối với các NHTW, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tiền lương giảm chính là cơ chế để đưa lạm phát về mục tiêu.Suy thoái hoàn toàn không phải là “tác dụng phụ ít khi xảy ra” của nỗ lực chống lạm phát. Đó là “nhân vật chính trên sân khấu”.
Trong khi đó làn sóng ngân hàng sụp đổ mà khởi đầu là SVB cũng không phải là điều gì bất ngờ. Không ai biết chính xác thứ gì sẽ đổ vỡ khi Fed tăng lãi suất, nhưng mọi người đều nghi ngờ sẽ phải có thứ gì đó sụp đổ. Tuy nhiên có lẽ nếu các quan chức Fed được lựa chọn thì họ cũng sẽ không hề mong muốn cuộc chiến chống lạm phát lại kéo theo các ngân hàng khu vực sụp đổ.
Các ngân hàng sụp đổ càng làm tăng hiệu ứng khan hiếm tín dụng của lãi suất cao, khi các ngân hàng trở nên thận trọng hơn. Tệ hơn, sự căng thẳng trên hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng “bóng tuyết”, tức càng ngày càng lớn. Xét theo tiêu chí tài sản thì các vụ sụp đổ ngân hàng từ đầu năm đến nay đã ngang bằng với thời điểm 2008.
Bế tắc ở Washington
Trần nợ vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ và thường được giải quyết vào phút chót. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì lần này nguy hiểm hơn các lần trước. Ngày 1/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã lên tiếng cảnh báo khả năng sử dụng các biện pháp đặc biệt để không vượt quá trần nợ của Bộ sẽ cạn kiệt vào đầu tháng 6. Suốt từ tháng 1 đến nay, Bộ Tài chính đã phải sử dụng nhiều cách để tránh vỡ nợ sau khi nợ đã chạm mức trần 31.400 tỷ USD.
Ngày mai (9/5), Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về trần nợ nhưng hầu như không có kỳ vọng sẽ có đột phá. Mới đây ông McCarthy đã thông qua dự luật áp dụng cắt giảm chi tiêu trên diện rộng để đổi lại là đảng Dân chủ sẽ đồng ý tăng trần nợ.
Trong trường hợp tốt nhất, căng thẳng trên thị trường sẽ tiếp tục dâng cao trước khi các nhà làm luật đạt được thỏa thuận. Còn trong kịch bản tệ nhất, nước Mỹ vỡ nợ sẽ khiến hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu.
Lạm phát dai dẳng
Khả năng phản ứng của Fed bị bó hẹp bởi lạm phát dai dẳng. Tuần trước ông Powell nói rằng với giá cả tăng nhanh hơn nhiều so với mong muốn của Fed như hiện nay, “sẽ không hợp lý nếu Fed hạ lãi suất và chúng tôi sẽ không làm vậy”. Có thể hiểu là nếu suy thoái ập đến, đừng hi vọng Fed sẽ giải cứu bằng cách kích thích tiền tệ.
Ở mức 5% trong tháng 3, lạm phát đã giảm mạnh so với mức đỉnh hơn 9% lập từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên chặng đường không hề dễ dàng. Phần lớn là giá năng lượng giảm và chuỗi cung ứng trơn tru hơn đã trợ giúp Fed rất nhiều. Phía trước là chặng đường rất khó khăn. Theo nhận định của Bloomberg Economics, tiền lương tăng và động lực giảm lạm phát từ 2 yếu tố nói trên suy giảm, đến cuối năm nay lạm phát lõi vẫn sẽ mắc kẹt ở quanh mức 4%, thậm chí có thể tệ hơn.
Biến đổi khí hậu – quân cờ khó đoán
Bước vào thời kỳ El Nino, bão và lũ lụt sẽ ba phủ California và miền Nam nước Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng khai thác năng lượng cũng như thực phẩm. Trên toàn cầu, hạn hán ở châu Á và mưa lớn ở Nam Mỹ cùng châu Phi sẽ phá hoại mùa màng.
IMF ước tính El Nino có thể khiến giá hàng hóa tăng thêm 4 điểm phần trăm. Như vậy kể cả khi Fed có cắt giảm lãi suất thì tác động cũng sẽ bị giảm thiểu đáng kể, thậm chí là triệt tiêu hoàn toàn.
Tất nhiên kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh mềm. Một số người hi vọng những cuộc khủng hoảng nhỏ sẽ khiến lạm phát tự động giảm xuống. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người nghĩ đến “rolling recession”, tức một cuộc suy thoái mà các ngành sẽ lần lượt suy thoái trong khi toàn bộ nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Đã có một số dấu hiệu cho thấy điều này đang diễn ra: ngành sản xuất và bất động sản lao đao nhưng thị trường lao động vẫn rất khỏe, tức 2 ngành nói trên sẽ chạm đáy và thoát đáy trước khi thị trường lao động bắt đầu bộc lộ dấu hiệu suy thoái.
Cuối cùng thì có lẽ trì lạm – nền kinh tế suy giảm trong khi lạ phát vẫn ở mức quá cao – sẽ là kịch bản dễ xảy ra nhất.
Nguồn Cafef.vn
Xem thêm các tin thế giới tại đây.