Thị trường Việt Nam trong phiên giao dịch hôm nay có một số tin tức đáng chú ý: Giá điện tăng 3% tác động gì đến CPI? Nợ xấu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong quý I và tỷ giá USD ngày 8/5: Trái chiều trong nước… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch đầu tuần thứ Hai ngày 8/5.
-
Giá điện tăng 3% tác động gì đến CPI?
Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh so với mức hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng mức tăng 3%.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là tăng 0,33%; Nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ.
Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân. Do vậy, việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, doanh nghiệp và chỉ số CPI. Hiện điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên sau khi tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%.
Dù vậy, giá điện trên lý thuyết sẽ phải tăng ở mức 8%, bất kể điều đó sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng nhiệt điện than, nhiệt điện khí và nhiệt điện dầu chiếm khoảng hơn 45% tổng sản lượng điện quốc gia. Nói cách khác, điện sản xuất ra từ nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó giá than dùng để sản xuất điện năm 2022 tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, giá điện được điều chỉnh tăng lần gần đây nhất vào tháng 3/2019, với mức tăng 8,36%. Trong 4 năm qua điện không tăng giá, trong khi đó khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu. Vì vậy, việc tăng giá điện là hợp lý bởi giá cả phải lên xuống theo thị trường. Theo tính toán các chuyên gia dự báo, việc tăng giá điện 3% sẽ khiến chỉ số CPI tăng 0,12%.
Trong khi đó, thông tin giá điện tăng tối đa 3% khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, ái ngại. Vì tuy với mức tăng không đáng kể nhưng rất có thể hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ được đà tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên.
Cũng như xăng, điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào. Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Trên thực tế, việc tăng giá xăng đã từng kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm đáng kể.
-
Nợ xấu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong quý I
Theo số liệu thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính,số dư nợ xấu tại thời điểm 31/3/2022 tăng 24% so với hồi đầu năm, lên trên 170.134 tỷ đồng. Và gần 90% trong số đó ghi nhận nợ xấu tăng.
Số dư nợ xấu tăng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 3%, thậm chí ghi nhận ở mức hai chữ số như NCB, VPBank (HM:VPB), Vietbank, ABBank, VIB (HM:VIB).
VPBank là ngân hàng có số dư nợ nhóm 3 đến nhóm 5 cao nhất quý I/2023 với 28.939 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu tiếp tục đến từ công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến 31/3 chỉ hơn 13.500 tỷ đồng.
Sau VPBank trong bảng xếp hạng là BIDV với quy mô nợ xấu ở mức 24.730 tỷ đồng, tăng 40% so với cuối năm ngoái. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của BIDV (HM:BID) vẫn ở mức dưới 2% (1,59%).
Một số ngân hàng có số dư nợ xấu tăng nhanh trong quý I như TPBank (tăng 84%), MB (tăng 68%); OCB (tăng 51%); BIDV (tăng 40%);…chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng cao.
-
Tỷ giá USD ngày 8/5: Trái chiều trong nước
Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 101,29 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,03% ở mức 1,1021. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% ở mức 1,2631. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,15% ở mức 135,06.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (8/5) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.618 VND/USD, giảm 4 đồng so với mức niêm yết cuối tuần trước. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.437 – 24.800 VND/USD.
Tỷ giá USD trong nước sáng nay ghi nhận một số điều chỉnh nhẹ tại các ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank và Techcombank (HM:TCB) lần lượt nâng 10 và 3 đồng ở cả hai chiều mua bán, trong khi BIDV và Eximbank (HM:EIB) giảm tương ứng 4 và 10 đồng tỷ giá so với mức niêm yết kết phiên tuần qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.197 – 23.296 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.590 – 23.651 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở Eximbank.
Trên thị trường “chợ đen”, khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.330 – 23.450 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận cuối tuần trước.
Theo investing