Một thống kê mới cho thấy sản lượng gạo năm 2023 có thể được ghi nhận với mức thiếu hụt lớn nhất trong 20 năm
Sản lượng gạo đang giảm ở khắp nơi từ Trung Quốc, Pakistan đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), tạo gánh nặng về giá cho hơn 3,5 tỉ người tiêu thụ trên toàn cầu. Châu Á – Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng lớn nhất vì là nơi tiêu thụ 90% lượng gạo của thế giới.
Giá gạo dự kiến duy trì quanh mức cao hiện tại cho đến năm 2024, trung bình là 17,3 USD/cwt, sẽ chỉ giảm còn 14,5 USD/cwt trong năm 2024. Cwt – đơn vị đo lường cho một số mặt hàng như gạo, tương đương hơn 45,3 kg.
“Do gạo là mặt hàng lương thực chính trên nhiều thị trường ở châu Á, giá gạo là yếu tố chính quyết định đến lạm phát lương thực và an ninh lương thực” – nhà phân tích hàng hóa Chales Hart của Fitch Solutions nhấn mạnh. Báo cáo này dự báo mức thiếu hụt toàn cầu trong giai đoạn 2022-2023 sẽ là 8,7 triệu tấn.
Nông dân ở Kunjang, Đông Java – Indonesia đang trồng bắp trên đất trồng lúa hôm 10-4, một phương pháp xen canh để tận dụng đất trong các mùa thiếu nướcẢnh: ANTARA
Trong nửa cuối năm ngoái, nhiều vùng nông nghiệp ở quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới là Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và mưa lớn vào mùa hè, trong đó trung tâm sản xuất lúa gạo lớn là Quảng Tây – Quảng Đông hứng chịu lượng mưa tích lũy cao thứ 2 trong ít nhất 20 năm.
Trong khi đó, nhiều nơi khác của Trung Quốc lại hứng chịu cái nóng kèm hạn hán khốc liệt, cũng gây thiệt hại lớn cho mùa màng. Tương tự, lũ lụt nghiêm trọng đã lấy đi 31% sản lượng lúa gạo của Pakistan, mà theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tác động còn tồi tệ hơn dự đoán ban đầu.
Một dự báo u ám đang phủ bóng năm 2023, khi nhiều cơ quan thời tiết hàng đầu của Mỹ, Úc dự báo chu kỳ khí hậu El Nino – Dao động phương Nam (ENSO) sẽ chuyển từ “pha lạnh” La Nina của 3 năm qua sang “pha nóng” El Nino trong năm nay.
Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino. Hiện Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán có thể là khốc liệt nhất trong 2 thập kỷ ở nhiều vùng trồng lúa.
Ngoài các thách thức nói trên, gạo cũng thiếu hụt vì nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh trở thành nguồn thay thế hấp dẫn cho các loại ngũ cốc bị thiếu hụt và tăng giá mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ.
Nhà phân tích cao cấp Oscar Tjakra từ Ngân hàng Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu Rabobank (Hà Lan) cho biết sản lượng gạo ở Mỹ và EU năm nay cũng thấp hơn mọi năm, góp thêm vào thâm hụt. Những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất có thể kể đến là các nhà nhập khẩu gạo lớn của Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia cũng như các nước châu Phi.
Nhà phân tích cấp cao Kelly Goughary từ Gro Intelligence (trụ sở chính tại Mỹ) cho rằng nhiều quốc gia sẽ buộc phải cắt giảm kho dự trữ trong nước. Nhiều nước sẽ phải chịu lạm phát lương thực rất cao như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và một số nước châu Phi.
Theo Người Lao Động