Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, đây là vị cứu tinh mới cho nhiên liệu của Nga giúp xuất khẩu tăng vọt trong quý đầu tiên.
Sau khi dầu thô bị châu Âu trừng phạt, G7 áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng và ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường châu Á, đây đích thị là tin vui đến với Nga trong năm nay.
Xuất khẩu nhiên liệu từ dầu thô của Nga đã tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm 2022. Điểm sáng này không đến từ Trung Quốc hay Ấn Độ mà đến từ khách hàng châu Phi – châu lục này đang ngày càng tăng nhập khẩu nhiên liệu của Nga sau lệnh cấm vận đến từ EU.
Theo số liệu từ Oilprice, xuất khẩu nhiên liệu của Nga đã tăng mạnh trong quý đầu tiên, ước tính đạt 1,9 triệu tấn trong quý 1/2023 – tăng mạnh so với 1,3 triệu tấn vào quý 1/2022. Các nhà phân tích tại Kpler đã ước tính rằng xuất khẩu nhiên liệu của Nga sẽ còn tiếp tục tăng mạnh lên 2,2 triệu tấn trong quý tiếp theo so với 1,5 triệu tấn của cùng kỳ năm 2022.
EU đã cấm các loại nhiên liệu từ dầu thô của Nga như xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Nga bằng đường biển. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga phải tìm bến đỗ mới cho khoảng 1 triệu thùng/ngày nhiên liệu tinh chế nếu họ muốn tiếp tục thu tiền từ mặt hàng xuất khẩu chủ chốt này.
Dòng nhiên liệu của Nga đến các nước thứ ba cũng được điều chỉnh bởi giá trần, tương tự như giá trần đối với dầu thô của Nga nếu giao dịch được thực hiện thông qua các công ty bảo hiểm phương Tây.
Đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu thô, mức trần đối với dầu diesel của Nga là 100 USD/thùng, trong khi mức trần đối với các sản phẩm dầu mỏ chi phí thấp hơn là 45 USD/thùng.
Trước lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, Nga bắt đầu chuyển hướng vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của mình sang Bắc Phi và Châu Á.
Bắc Phi đã trở thành “thiên đường mới” cho xuất khẩu dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga, trong khi Nga cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu diesel của mình sang Mỹ Latinh.
Cho đến nay, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy Nga đã tương đối thành công trong việc đặt hầu hết nhiên liệu của mình ở các thị trường khác ngoài châu Âu, mặc dù Moscow đã buộc phải chuyển hàng hóa đến các thị trường xa hơn để duy trì khối lượng xuất khẩu, Hãng môi giới hàng hải Gibson cho biết trong một báo cáo thị trường một tháng sau khi lệnh cấm vận nhiên liệu của EU có hiệu lực.
“Về xuất khẩu nhiên liệu trong tương lai, phần lớn sẽ còn phụ thuộc vào chiến lược xuất khẩu của Nga và khả năng duy trì hoạt động lọc dầu cũng như việc các Chính phủ phương Tây có sẵn sàng cho phép các sản phẩm của Nga được đổi thương hiệu và tái xuất khẩu ra nước ngoài hay không,” Gibson lưu ý.
Việc áp giá trần đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu thô đang ngày càng trở nên không hiệu quả đối với Nga. Điều này sẽ khó có thể sớm được đảo ngược trong thời gian trước mắt, Gibson cho biết thêm.
Nguồn cafef.vn
Xem thêm các tin tức thế giới tại đây.