Một cuộc thăm dò các nhà phân tích của hãng tin AFP dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay, và gần như phù hợp với dự báo 5,2% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố tốc độ phục hồi nền kinh tế vào thứ Ba (18/4), khi Chính phủ công bố số liệu GDP trong quý 1/2023 kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế phòng chống đại dịch COVID-19 làm suy giảm tăng trưởng vào cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích do hãng tin AFP thăm dò ý kiến kỳ vọng rằng trong quý 1/2023 kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt các cuộc khủng hoảng, từ lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần cho đến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, lạm phát toàn cầu gia tăng và nguy cơ suy thoái ở những nơi khác.
Larry Hu, nhà kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie, cho biết: “Sự phục hồi là có thực, nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu.”
Ông nói rằng: “Bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ diễn ra từ từ, phần lớn là do niềm tin của người tiêu dùng yếu kém, điều này khiến các công ty “miễn cưỡng” thuê thêm nhân viên.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong cả năm ngoái, mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Rabobank cho biết, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản leo thang – cùng với ngành xây dựng chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc – tiếp tục đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế cũng sẽ theo dõi sát sao số liệu bán lẻ của nước này trong tháng 3/2023, chỉ số chủ chốt của tiêu dùng hộ gia đình công bố vào thứ Ba (18/4). Doanh số bán lẻ đã tăng trong tháng 1 và tháng 2/2023 sau 4 tháng giảm liên tiếp, theo số liệu chính thức.
Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế vĩ mô chuyên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, cho biết, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc “vẫn ở mức tiêu cực” mặc dù nước này đã dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19.
Một cuộc thăm dò các nhà phân tích của hãng tin AFP dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay, và gần như phù hợp với dự báo 5,2% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng các xu hướng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của Trung Quốc bao gồm căng thẳng địa chính trị với Mỹ, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn và lạm phát cao trên toàn cầu.
Trước đó, ngày 14/4, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương), ông Dịch Cương cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Quan chức này khẳng định kinh tế Trung Quốc đang ổn định và hồi phục trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp, còn thị trường bất động sản đã ghi nhận những thay đổi tích cực.
Trong khi đó, Chủ tịch WB David Malpass cho rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc là “chất xúc tác” cần thiết cho một năm như năm 2023 khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi.
Theo ông Malpass, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc có thể đạt 5,1%, cao hơn mức 3% năm 2022, tạo động lực hỗ trợ cho tăng trưởng toàn cầu.
Điều này cũng phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh tiến trình mở cửa và khôi phục các chuỗi cung ứng, bổ sung cho nguồn cung toàn cầu./.
Theo investing