Bà Janet Yellen cho rằng biến động trong ngành ngân hàng tháng trước vẫn chưa khiến kinh tế Mỹ đi chệch đường ray.
“Tôi cho rằng có cách hạ nhiệt lạm phát mà vẫn đảm bảo thị trường lao động vững mạnh. Những bằng chứng tôi nhìn thấy chỉ ra chúng ta vẫn đang đi trên con đường đó. Có rủi ro không à? Dĩ nhiên là có. Tôi không muốn phớt lờ chúng”, bà cho biết trong cuộc phỏng vấn trên CNN hôm 14/4.
Yellen giải thích các yếu tố kéo lạm phát lên cao đã gây ra tình trạng thắt chặt trên thị trường lao động Mỹ. Nổi bật nhất là xung đột Nga – Ukraine (khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao) và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch (khiến các nguyên liệu chủ chốt thiếu hụt, bóp nghẹt nhiều ngành công nghiệp quan trọng, như sản xuất ôtô).
“Những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng đang dần được giải quyết. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong cách mọi người sinh hoạt. Giá nhà từng tăng mạnh thì giờ cũng bắt đầu giảm”, bà nói.
Các số liệu kinh tế Mỹ công bố tuần này cũng cho thấy lạm phát và tiêu dùng đang hạ nhiệt. Hôm 13/4, số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 của nước này giảm mạnh nhất gần 3 năm. Một ngày trước đó, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp số liệu này hạ nhiệt.
Tháng trước, hai vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank châm ngòi cho cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Mỹ. Việc này khiến các thị trường tài chính rối loạn, làm dấy lên lo ngại tác động lan ra toàn bộ nền kinh tế.
Bộ Tài chính Mỹ đã cùng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) can thiệp ngay sau đó. Họ bảo hiểm cho toàn bộ tiền gửi tại hai nhà băng này, ngăn chặn nguy cơ các ngân hàng bị rút tiền ồ ạt.
Dù vây, các vụ sụp đổ này cũng khiến nhà đầu tư lo ngại thêm nhiều ngân hàng khác phải đóng cửa và các hệ lụy sau đó có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Fed tháng trước đã bắt đầu giảm tốc độ nâng lãi suất để ghìm lạm phát.
Cuộc phỏng vấn của bà Yellen với CNN hôm qua diễn trong bối cảnh Hội nghị thường niên mùa xuân do IMF-World Bank tổ chức sắp kết thúc. Trong đó, Ukraine là vấn đề tâm điểm. Bà Yellen cho rằng Nga nên chi trả cho các thiệt hại mà Ukraine phải gánh chịu. Các cuộc thảo luận về cơ chế phù hợp vẫn đang diễn ra.
“Cộng đồng quốc tế muốn Nga chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang bàn bạc việc này với các đối tác. Tuy nhiên, có nhiều ràng buộc pháp lý về khả năng xử lý các tài sản đã bị phong tỏa của Nga”, bà giải thích.
Nguồn Vnexpress.net
Xem thêm các tin tức thế giới tại đây.