Nước Mỹ chưa kịp vui vì lạm phát hạ nhiệt thì lại đứng trước một nỗi lo khác: hậu quả từ cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây có khả năng sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái nhẹ.
Tuần này Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới khởi động các cuộc họp mùa xuân tại Washington (Mỹ). Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ được công bố và một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ báo cáo thu nhập.
Những thông tin này có thể làm tăng hoặc giảm nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt
Dữ liệu công bố ngày 12-4 của Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy CPI trong tháng 3-2023 ở nước này tăng 5% so với tháng 3-2022 – thấp nhất kể từ tháng 5-2021 và giảm đáng kể so với mức 6% vào tháng 2-2023.
Nếu tính theo tháng, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 3-2023 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Dẫu vậy lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã tăng 5,6% trong tháng 3-2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà kinh tế coi lạm phát cơ bản là yếu tố dự đoán tốt hơn về lạm phát trong tương lai.
Dữ liệu lạm phát vừa nêu là một trong những thông tin kinh tế quan trọng nhất ngay trước cuộc họp chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng 5. Fed đã tăng lãi suất chín lần trong năm qua kể từ tháng 3-2022 để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi mức lạm phát khoảng 2% là phù hợp. Ngày 12-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh dữ liệu mới cho thấy “sự tiến bộ liên tục” trong cuộc chiến chống giá cả tăng cao nhưng ông lưu ý lạm phát “vẫn còn quá cao”.
Theo báo Guardian, dù tỉ lệ lạm phát chung đang có xu hướng giảm, các nhà kinh tế cho rằng Fed vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất bất chấp những bất ổn mà điều đó có thể mang lại cho nền kinh tế.
Lo suy thoái kinh tế
Lạm phát hạ nhiệt trong tháng 3 là tin tích cực cho thấy giải pháp ứng phó tăng lãi suất của Fed đang có tác dụng. Nhưng cũng trong tháng 3, nước Mỹ đã chứng kiến những rắc rối lớn xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà một phần nguyên nhân là vì lãi suất cơ bản tăng.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng trước là yếu tố khiến Fed dự đoán nước Mỹ có thể rơi vào suy thoái “nhẹ” cuối năm nay.
Họ đưa ra đánh giá này trong cuộc họp chính sách của Fed hồi tháng 3, theo biên bản cuộc họp chỉ vừa được báo Washington Post công bố ngày 12-4.
Giới đầu tư lo lắng tình huống Fed và các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu, châu Á có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái trong khi cố gắng dập tắt lạm phát.
Theo Đài CNN, hiện nay tình trạng lạm phát dai dẳng ở Mỹ vẫn là mối quan tâm số 1 của Fed, ngay cả khi lĩnh vực ngân hàng đứng trước các rủi ro sau hai vụ sụp đổ ngân hàng lớn vào tháng trước.
Ngành ngân hàng đã trải qua đợt hoảng loạn ngắn vào tháng 3 năm nay, khi khách hàng rút tiền ồ ạt khỏi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Vụ Ngân hàng SVB và Ngân hàng Signature (SB) phá sản đã gây khủng hoảng niềm tin với các nhà đầu tư và khách hàng khi họ lo ngại về những rủi ro tương tự.
Theo Hãng tin Bloomberg, các nhà phân tích ước tính tiền gửi tại các ngân hàng JPMorgan Chase, Wells Fargo và Bank of America ở Mỹ đã giảm 521 tỉ USD trong năm qua, mức giảm lớn nhất trong một thập niên.
Đối với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn như Ngân hàng Western Alliance, vấn đề tăng lên gấp đôi bởi sự sụp đổ của SVB và Signature đã khiến nhiều người lo lắng rút tiền để gửi vào các ngân hàng lớn hơn cho yên tâm.
Tuy nhiên, tỉ phú Mỹ Warren Buffett cho rằng người Mỹ không nên lo lắng về các khoản tiền gửi của họ sau cú sốc vừa qua với SVB và SB. Ông cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ đảm bảo không ai bị mất một xu tiền gửi.
“Mọi người không nên lo lắng về việc mất tiền và các khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng Mỹ. Hiện không có lý do gì để lo lắng như vậy” – ông Buffett, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty Berkshire Hathaway, trả lời phỏng vấn kênh CNBC ngày 12-4.
Chứng khoán châu Á giảm điểm
Ngày 13-4, hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Á – Thái Bình Dương đều giảm điểm sau khi biên bản cuộc họp hồi tháng 3 của Fed được công bố, theo kênh CNBC.
Dự báo của Fed dường như đã làm lu mờ điểm sáng CPI ở Mỹ trong tháng 3-2023. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 0,15%, còn tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,27%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,27%. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 0,11%, S&P 500 giảm 0,41%, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,85%.
Nguồn tuoitre.vn
Xem thêm các tin tức thế giới tại đây.