Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu đang thúc đẩy gia tăng giá dầu, dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát và rủi ro suy thoái toàn cầu.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô và nâng giá dầu lên khoảng 5 USD/thùng của OPEC+ trong tháng 4 này – lần thứ hai kể từ khi Tổng thống Biden bay tới Saudi Arabia vào mùa hè 2022 để tìm kiếm thỏa thuận gia tăng sản lượng dầu mỏ – có thể chỉ là sự khởi đầu.
Theo Hãng tin Bloomberg, liên minh dầu mỏ Saudi Arabia – Nga có khả năng gây ra đủ loại rắc rối cho nền kinh tế Mỹ.
Các liên minh địa chính trị đang thay đổi
Trong nhiều thập kỷ, Hiệp ước “Oil for security“ (Dầu cho an ninh) giữa Mỹ và Saudi Arabia đã trở thành trụ cột của thị trường năng lượng toàn cầu.
Hiệp ước ra đời từ cuộc gặp năm 1945 giữa Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Quốc vương Abdul Aziz Ibn Saud, trên một tàu tuần dương của Mỹ ở kênh đào Suez. Thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận dầu mỏ của Saudi Arabia để đổi lấy việc đảm bảo an ninh cho vương quốc này.
Hiện hiệp ước này đang chao đảo và không còn như trước nữa.
Trong một thế giới của các liên minh địa chính trị đang thay đổi, Saudi Arabia đang tách khỏi quỹ đạo của Washington và phối hợp với Nga thiết lập mức sản xuất dầu.
Tháng trước, Saudi Arabia và Iran đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian và được ký kết tại Bắc Kinh.
Nói cách khác, ảnh hưởng của phương Tây đối với liên minh dầu mỏ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Lần đầu tiên trong lịch sử năng lượng, Washington, London, Paris và Berlin không có một đồng minh nào trong nhóm OPEC+.
Khi được hỏi về những lo ngại của Mỹ khi OPEC+ đã hai lần quyết định cắt giảm sản lượng kể từ chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Saudi Arabia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ coi việc OPEC+ cắt giảm sản lượng là việc không nên làm.
Đâu là điểm dừng của giá dầu mỏ?
Thị trường dầu thô thế giới đã trải qua 18 tháng đầy biến động.
Đầu năm 2023, Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – mở cửa lại khiến giá mặt hàng này tăng từ 80 USD lên 85 USD/thùng.
Đối với nền kinh tế toàn cầu, nguồn cung dầu thấp hơn và giá cao hơn là một tin xấu.
Công cụ mô hình hóa kịch bản kinh tế của Bloomberg (SHOK) của Bloomberg Economics dự đoán cứ mỗi 5 USD giá dầu tăng, lạm phát của Mỹ sẽ tăng 0,2 điểm phần trăm. Tuy không phải là một biến động đáng kể, nhưng vào thời điểm Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang vật lộn để kiểm soát giá cả, đây cũng không phải là một tin vui.
Tháng 10-2022, OPEC+ đã giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Biden bay đến Riyadh. Nhà Trắng nhận định động thái trên của khối này là “thiển cận”.
Trong quá khứ, OPEC+ thường bị giằng xé: họ muốn nâng giá dầu lên cao, nhưng lại lo lắng sẽ thu hút thêm sự cạnh tranh – đặc biệt là từ dầu đá phiến của Mỹ. Nhưng tình trạng tiến thoái lưỡng nan đó hiện nay không còn tồn tại.
Lương và lạm phát ở Mỹ đều tăng đã làm tăng chi phí sản xuất đá phiến, dẫn đến tăng trưởng sản lượng chậm hơn. Và các công ty đang ưu tiên phân phối lợi nhuận cho các cổ đông hơn là đầu tư vào việc mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, Nhà Trắng dường như không hề bối rối với đợt cắt giảm sản lượng dầu mỏ mới nhất.
Điều này có thể phần nào phản ánh kỳ vọng mức giảm sản lượng thực tế có thể nhỏ hơn so với con số trên 1 triệu thùng/ngày. Sự tuân thủ của các thành viên OPEC+ với việc cắt giảm cũng có thể không chặt chẽ. Hồi tháng 2, Nga cam kết đơn phương cắt giảm sản lượng, nhưng trên thực tế, dòng chảy chỉ bắt đầu giảm vào tuần trước.
Sự đồng thuận giữa các nhà phân tích là giá dầu sẽ ở mức trung bình 85 – 90 USD/thùng trong năm 2023 và 2024.
Mô hình SHOK đưa ra gợi ý việc cắt giảm nguồn cung sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 120 USD/thùng vào năm 2024, giữ lạm phát của Mỹ ở mức gần 4% vào cuối năm 2024 so với dự báo cơ bản là 2,7%.
Nguồn tuoitre.vn
Xem thêm các tin thế giới tại đây.