Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có các tin tức mới: Lãi suất tái cấp vốn có thể giảm thêm một đợt nữa trong quý 2, rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu và tỷ giá USD ngày 5/4: Giảm thêm tại các ngân hàng… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 5/4.
1. Lãi suất tái cấp vốn có thể giảm thêm một đợt nữa trong quý 2
Theo báo cáo nhận định về việc Ngân hàng nhà nước cắt giảm các lãi suất chính sách từ Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research), việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất tái cấp vốn 50 điểm (0,5%) xuống 5,5% hiệu lực từ thứ hai (3/4) – đợt cắt giảm lãi suất chính sách gần đây nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – là động thái của NHNN không gây bất ngờ do những thông báo đã đưa ra trước đó cũng như kết quả tăng trưởng GDP Quý 1 thấp hơn dự kiến đã được công bố một ngày trước.
UOB nhận định NHNN có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong Quý 2 năm 2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm nữa trước thời điểm cuối quý 2. Ngoài ra, NHNN có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.
Động lực dẫn tới quyết định giảm lãi suất của NHNN, là do tốc độ tăng trưởng GDP trong Quý 1 năm 2023 của Việt Nam bất ngờ giảm xuống mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước từ 5,92% trong Quý 4 năm 2022, được công bố vào chỉ một ngày trước đó. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy sự ổn định quay lại thị trường sau các rối loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ và Châu Âu (sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và việc UBS mua lại Credit Suisse) đã giảm bớt và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất (vui lòng xem báo cáo “FOMC tháng 3 năm 2023 của Hoa Kỳ: Tăng 25 điểm cơ bản nhưng chưa đạt mức cao nhất”, ngày 23 tháng 3 năm 2023).
Mặc dù NHNN thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. NHNN có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của NHNN rõ ràng sẽ là xu hướng tập trung quản lý lạm phát trong nước.
Lạm phát đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam tăng 4,18% so với cùng kỳ trong Quý 1 năm 2023 và thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,5%, lạm phát cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu giảm đáng kể. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá cả lương thực, năng lượng và các dịch vụ công khác) trong Quý 1 năm 2023 đã tăng lên mức 5,01% từ 4,76% trong Quý 4 năm 2222 và 3,17% trong Quý 3 năm 2022. Xu hướng này có thể khiến ngân hàng trung ương có thể có lo ngại khi lạm phát cơ bản trong tháng 3 tăng 4,88% so với cùng kỳ, là tháng thứ 6 liên tiếp lạm phát dao động trên mức 4,5%.
Bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 100 điểm cơ bản sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài một năm của Fed Hoa Kỳ đến nhu cầu trên toàn cầu.
2. Rủi ro thâm hụt nguồn cung xăng dầu
Theo đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, việc cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ có thể đặt thị trường dầu thô vào rủi ro thâm hụt nguồn cung trong giai đoạn tới. Trên thị trường thế giới, giá dầu bắt đầu có sự tăng vọt từ những phiên đầu tuần, đến sáng ngày 4/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,14% lên 80,53 USD/thùng vào lúc 7h17 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 0,14% lên 84,97 USD/thùng.
Giai đoạn quý 3 sẽ là mùa lái xe cao điểm, đặc biệt là các quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu. Tồn kho xăng dầu trong giai đoạn này thường chỉ bằng một nửa so với giai đoạn đầu năm, do nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm.
Dầu thô là đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực kinh tế đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Giai đoạn năm ngoái khi giá dầu trên thế giới liên tục tăng cao, giá xăng trong nước đã có giai đoạn (như quý 2/2022) được điều chỉnh tăng 7 lần liên tiếp và có thời điểm vượt mốc 32.000 đồng đối với xăng RON95-III.
Trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng cao trong giai đoạn tới, giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng cũng sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với xu hướng. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ khó có thể tăng mạnh như giai đoạn năm ngoái, do nhu cầu suy yếu tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ sẽ bù đắp một phần sự tăng trưởng tại khu vực châu Á, giúp cho biến động của giá dầu ổn định hơn.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số đơn vị cung cấp các thông tin, phân tích và dự báo một cách chính thống, chuyên nghiệp về thị trường xăng dầu. Đơn cử như Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, đang cung cấp các bản tin thị trường tới lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan thông tấn, báo chí. Các dự báo, phân tích này sẽ rất hữu ích trong công tác dự báo giá xăng dầu thế giới và trong nước.
Với những biến động trên thị trường xăng dầu thế giới, các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm trực diện hơn đối với biện pháp để phòng ngừa rủi ro về giá, trong đó có bảo hiểm giá. Bảo hiểm giá dựa trên nguyên tắc thỏa thuận ấn định cố định giá giao dịch cho một lô hàng tại một thời điểm trong một thời hạn nhất định, chuyển giao hàng trong tương lai. Ưu điểm của phương thức bảo hiểm giá là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp khi giá tăng.
Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã triển khai các sản phẩm năng lượng như dầu WTI, dầu Brent, hay xăng pha chế RBOB liên thông trực tiếp với các sở giao dịch trên thế giới, công cụ bảo hiểm giá hiệu quả cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, MXV còn triển khai giao dịch các hợp đồng mini, micro để giúp phù hợp với nhiều chiến lược bảo hiểm giá, tương ứng với nhiều quy mô doanh nghiệp hơn.
Kế hoạch trong thời gian tới sẽ là phát triển các hợp đồng quyền chọn, cung cấp cho các DN xăng dầu quyền mua hoặc không mua sản phẩm với mức giá cố định trong tương lai. Điều này mang đến lợi thế rất lớn trong bối cảnh giá xăng dầu sẽ còn biến động trong thời gian tới.
3. Tỷ giá USD ngày 5/4: Giảm thêm tại các ngân hàng
Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 101,53 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,05% ở mức 1,0963. Tỷ giá đồng bảng Anh so với giảm 0,03% ở mức 1,2496. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,13% ở mức 131,55.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (5/4) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên ở mức 23.602 VND/USD như mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.422 – 24.782 VND/USD.
Tỷ giá USD ghi nhận nhiều điều chỉnh giảm tại các ngân hàng trong nước:
Vietcombank (HM:VCB) và Sacombank (HM:STB) lần lượt hạ 10 và 18 đồng ở cả hai chiều mua bán. Đáng kể hơn cả có Eximbank (HM:EIB) với 20 đồng giảm giá bán, các ngân hàng còn lại có mức thay đổi từ 10 đến 17 đồng so với mức niêm yết cùng giờ hôm qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.240 – 23.315 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.615 – 23.767 VND/USD. Trong đó, BIDV (HM:BID) vừa có giá mua USD cao nhất vừa có giá bán USD thấp nhất.
Trên thị trường “chợ đen”, khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.380 – 23.480 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận giờ này sáng qua.
Theo investing