IPO tại Mỹ đối mặt với các rủi ro mới?

Những biến động trong ngành ngân hàng thế giới vừa qua cũng như các rủi ro kinh tế suy thoái đang khiến thị trường IPO toàn cầu gặp rắc rối. Dù cho các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng năm 2023 sẽ khởi sắc và giai đoạn tồi tệ nhất của chứng khoán có thể đã qua.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, các công ty trên thế giới chỉ huy động được 19,7 tỷ USD thông qua các đợt IPO từ đầu năm 2023. Con số này đã giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở Mỹ, nơi chỉ huy động được 3,2 tỷ USD. Thực tế, hoạt động IPO đã có tín hiệu trầm lắng kể từ năm ngoái do lạm phát cao và những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương.

Nhiều người dự đoán với sự phục hồi kinh tế trở lại của Trung Quốc và các đợt tăng lãi suất với quy mô nhỏ hơn thì thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ có chút khởi sắc. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường IPO lại gặp rất nhiều khó khăn để có thể phục hồi trở lại. Bởi thế giới vừa trải qua các cuộc biến động mạnh khi một số ngân hàng lớn là Silvergate Bank, SVB, Signature Bank và Credit Suisse “sụp đổ”. Điều này cũng làm tăng thêm tình trạng không chắc chắn xung quanh lộ trình tăng lãi suất của Fed nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Theo Citigroup: “Lãi suất là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đang có một cuộc tranh luận xung quanh việc thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài bao lâu và tốc độ tăng lãi suất sẽ ra sao. Có một số vấn đề mọi người cần xem xét, bao gồm cả thông báo của ngân hàng trung ương để xác định nên tiến hành IPO trong quý II, quý III hay quý IV. Tại thời điểm này, dường như họ chỉ đang cân nhắc sẽ tiến hành IPO vào quý cuối năm”. Thị trường đang bất ổn để tiến hành các thương vụ IPO và cũng có dấu hiệu cho thấy các “biến động” của các ngân hàng thế giới đang ảnh hưởng đến kế hoạch IPO này của các công ty.

Tuy nhiên, có một điểm sáng trong hoạt động thị trường vốn cổ phần là hoạt động bán cổ phần của các công ty niêm yết. Dữ liệu cho thấy việc phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường thứ cấp đã thu về 76 tỷ USD trong quý đầu năm nay, tăng 48% so với một năm trước. Trong đó bao gồm cả việc Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (Japan Post Bank) đang lên kế huy động 1,3 nghìn tỷ Yên (khoảng 9,9 tỷ USD).

Trên thị trường chứng khoán, các cổ đông và công ty đã nhanh chóng bán cổ phiếu để tận dụng đợt tăng giá vào đầu năm và đảm bảo nguồn vốn trong bối cảnh lãi suất cao. Chi phí nợ cao hơn, đồng nghĩa một số công ty đã ngừng nắm giữ cổ phần chéo để giải phóng vốn, trả nợ hoặc đáp ứng các nhu cầu khác.

Nguồn investing

0865 205 590