Khoảng cách lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ đã lên tới 1,5 điểm phần trăm, lớn nhất trong 22 năm kể từ năm 2000 sau quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,75-5% của Fed được công bố.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã có 9 lần tăng lãi suất liên tiếp, đưa mức lãi suất tại Mỹ quanh ngưỡng 5% trong bối cảnh hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng đang gây lo ngại cho giới tài chính ở nhiều nước. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng việc tăng lãi suất nhẹ là nhằm duy trì niềm tin thể hiện qua các hành động để ổn định giá cả. Các nhà phân tích cho rằng động thái tăng lãi suất “bước nhỏ” lần này của Fed báo hiệu sự kết thúc của chu trình tăng lãi suất do lo ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng sau vụ sụp đổ của ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu Fed thực hiện thêm việc tăng lãi suất “bước nhỏ” trong phiên họp tháng Năm tới, chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ nới rộng lên 1,75%, điều này dự kiến sẽ làm tăng gánh nặng cho chính sách tiền tệ. Tỷ giá giữa đồng won và USD ngày 23/3 dao động ở mức 1.278,3 won, giảm 29,4 won so với ngày giao dịch trước đó (1.307,7 won), trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Fed sẽ kết thúc chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, với mức tăng hiện tại, khoảng cách giữa lãi suất cơ bản của Hàn Quốc và Mỹ đã nới rộng lên 1,5 điểm phần trăm, mức lớn nhất trong 22 năm.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), vốn đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% vào tháng trước đang tiếp tục trì hoãn. Giới phân tích cho rằng BoK sẽ tiếp tục đóng băng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp của Ủy ban Chính sách tiền tệ vào ngày 11/4 tới để đánh giá các yếu tố kinh tế.
Hiện tại, cán cân tài khoản vãng lai ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất trong lịch sử (-4,52 tỷ USD) trong tháng 1, thị trường bất động sản lao dốc và gánh nặng nợ hộ gia đình cũng là những yếu tố làm tăng khả năng đóng băng lãi suất cơ bản. Ngoài ra, do tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng (4,8%) trong tháng Hai đã giảm xuống mức 4% lần đầu tiên sau 10 tháng nên áp lực lạm phát có phần giảm bớt.
Tuy nhiên, khoảng cách lãi suất cơ bản ngày càng lớn giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ gây ra áp lực cho chính sách tiền tệ của Hàn Quốc. Nếu Fed thực hiện thêm một bước nhỏ vào tháng Năm, chênh lệch lãi suất sẽ mở rộng lên mức cao nhất từ trước tới nay là 1,75 điểm phần trăm. Dòng vốn nước ngoài chảy ra có thể tăng tốc và áp lực lên tỷ giá hối đoái won/USD sẽ tăng do giá trị của đồng won giảm. Theo Korea Exchange, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 1.300 tỷ won giá trị cổ phiếu trên thị trường KOSPI và KOSDAQ từ ngày 10-20/3 khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản.
Theo investing