Thị trường Việt Nam đầu phiên giao dịch tuần mới có những tin tức gì mới? Việt Nam trở thành thị trường của ôtô nhập khẩu? Lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng sáng ngày 20/3, còn khá ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm. Và tỷ giá USD suy yếu ngay đầu tuần… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay.
1. Việt Nam trở thành thị trường của ôtô nhập khẩu?
Trong giai đoạn gần đây, thị trường ô tô Việt Nam cho thấy xu hướng chủ yếu là nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia, tăng gấp đôi giai đoạn trước 2018, Bộ Công Thương lo sản xuất trong nước gặp thách thức. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường ôtô tiềm năng hàng đầu ASEAN. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh từ xe nhập khẩu, đặc biệt từ các nước khu vực đã làm dấy lên lo ngại đối với thị trường trong nước.
Năm 2022, số xe xuất xưởng tại Việt Nam đạt gần 440.000 chiếc, trong khi xe nhập khẩu là 176.590 xe. Nhưng lượng xe nhập từ ASEAN (chủ yếu là Thái Lan, Indonesia) tăng liên tục 5 năm qua, gấp đôi giai đoạn trước năm 2018. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập từ hai nước này đạt 144.703 chiếc vào năm ngoái, chiếm hơn 83% xe nhập từ các nước của Việt Nam.
Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2,5 tỷ USD, xấp xỉ 65% tổng kim ngạch xe nhập khẩu của Việt Nam từ các nước (3,83 tỷ USD). Cùng đó, các hãng xe ngoại có nhà máy ở Việt Nam nhưng vẫn nhập xe nguyên chiếc 80-90% lượng xe bán ra. Mặt khác, thị trường ôtô trong nước cũng sẽ đối mặt cạnh tranh với các quốc gia thành viên của CPTPP và EVFTA trong 7-10 năm tới, khi thuế nhập khẩu dần về 0%. Tức là ngoài nhập xe nguyên chiếc, các doanh nghiệp FDI tăng nhập khẩu linh, phụ kiện, phụ tùng khi thuế về 0%.
Đây là xu hướng không có lợi cho phát triển lâu dài của công nghiệp ôtô trong nước, theo Bộ Công Thương. Việt Nam có thể thành thị trường để các nước có công nghiệp ôtô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.
Một trong số bất cập làm giảm cạnh tranh sản xuất trong nước theo Bộ Công Thương là vẫn duy trì cách tính tỷ lệ nội địa hoá theo mức độ rời rạc của linh kiện, cụm chi tiết được sản xuất nội địa, áp dụng từ 2004. Theo cách tính này, mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số, rồi quy ra một tỷ lệ % nội địa hoá nhất định, mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện, phụ tùng đó.
Linh kiện nhập khẩu chịu thuế 12-14% nếu đáp ứng tiêu chí về độ rời rạc, nếu không sẽ chịu thuế suất của xe nhập nguyên chiếc ở mức cao hơn.
Trong khi theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cách tính tỷ lệ nội địa hoá ôtô được các nước ASEAN và thế giới áp dụng hiện nay, là dựa theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước, chứ không tính theo cụm chi tiết được sản xuất nội địa.
Bộ Công Thương phân tích thêm, ôtô hoàn chỉnh là sản phẩm được sản xuất, lắp ráp với hơn 30.000 chi tiết. Thiết kế, công nghệ vật liệu sản xuất thân, vỏ xe, cụm linh kiện thay đổi rất nhanh theo hướng tăng dùng các vật liệu mới, như sợi carbon, titanium, nhôm hợp kim để nhẹ, cứng và giảm tỷ trọng kim loại.
Công nghệ sản xuất phát triển, các tính năng, linh kiện chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị chiếc xe, nhất là các dòng xe du lịch cao cấp, xe điện hoá (xe hybrid, xe điện chạy pin). Xe điện không còn bộ ly hợp, hộp số thay vào đó là pin, bộ biến áp AC/DC, bộ điều khiển truyền động. Do đó, quy định cứng mức độ rời rạc của linh kiện công nghệ là can thiệp quá sâu vào chuỗi cung ứng, công đoạn sản xuất của nhà sản xuất.
Nếu hàm lượng sản xuất tại Việt Nam vẫn soi chiếu theo quy định danh điểm và mức độ rời rạc, thay vì theo hàm lượng giá trị như thế giới, sẽ khiến doanh nghiệp gặp bất lợi khi xuất khẩu. Vì thế Bộ Công Thương đề nghị sớm bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hoá theo mức độ rời rạc linh kiện, như là giải pháp hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Dung lượng thị trường nội địa nhỏ, phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều modern khác nhau cũng là thách thức với công nghiệp ôtô Việt. Điều này khiến các hãng sản xuất (lắp ráp sản xuất ôtô, linh kiện phụ tùng) khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.
Trong khi một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất xe lớn trên thế giới, nên cơ hội thu hút đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều nguyên vật liệu trong sản xuất (thép chế tạo, nhựa, chất dẻo) vẫn phải nhập khẩu, làm giảm tính chủ động, cạnh tranh của sản phẩm. Và giá ôtô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia, thậm chí Mỹ, Nhật chủ yếu vì thuế, phí.
Năm nay nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do các tác động tiêu cực từ toàn cầu. Hệ quả là một số ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước sụt giảm khi lực cầu thế giới đi xuống. Áp lực lạm phát, các kênh đầu tư tài chính (chứng khoán, bất động sản) chưa khởi sắc trở lại đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Họ thắt chặt hơn trong chi tiêu các mặt hàng giá trị cao, gồm ôtô.
Thực tế, doanh số bán xe trong nước đã giảm từ tháng 10 năm ngoái và hiện chưa có dấu hiệu hồi phục, ngay cả khi các hãng tung ra nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi giá. Dự báo thị trường xe năm nay nguy cơ ảm đạm như giai đoạn Covid. Để kích cầu trong ngắn hạn, các nhà sản xuất, lắp ráp xe và doanh nghiệp nhập khẩu mới đây đều kiến nghị giảm 50% phí trước bạ trong năm nay.
Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giảm phí phù hợp cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Về dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đưa ra các giải pháp toàn diện để kích cầu, tăng quy mô thị trường thông qua hạ thuế, phí, phát triển hạ tầng giao thông hoặc có chính sách hỗ trợ đặc biệt ngành sản xuất xe trong nước.
2. Lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng sáng ngày 20/3, còn khá ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm
Hiện SCB và HDBank (HM:HDB) là hai ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất, lên tới 9%/năm. Đứng kế sau lần lượt là Kienlongbank (8,9%), và 3 ngân hàng áp dụng mức 8,8% là Oceanbank, Bao Viet Bank và Bac A Bank.
Mức lãi suất 8,5 – 8,7%/năm đang được nhiều ngân hàng nhỏ áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng như Saigonbank, Viet A Bank, Nam A Bank, ABBank, NCB,…
Tại kỳ hạn 12 tháng, ABBank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 9,1%/năm. Tiếp theo là Bao Viet Bank, SCB và OceanBank với cùng mức lãi suất 9%/năm.
Trong khi đó, có khá nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất 8,8 – 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Đây hầu hết là các ngân hàng nhỏ như Kienlongbank, Saigonbank, Bac A Bank,…ngoại trừ HDBank và VPBank (HM:VPB) với lãi suất niêm yết ở mức 8,8%/năm ở kỳ hạn này.
Các ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao tiếp theo có thể kể đến LienVietPostBank (HM:LPB) (8,6%), SHB (HM:SHB) (8,5%), MSB (8,4%), …
Nhóm Big 4 (VietinBank (HM:CTG), Vietcombank (HM:VCB), BIDV (HM:BID), Agribank) có lãi suất huy động 12 tháng thấp nhất thị trường, áp dụng mức 7,2%/năm cho hình thức gửi tiền tại quầy.
Đáng chú ý, một số ngân hàng vẫn đang áp dụng mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 13 tháng. Theo đó, Bao Viet Bank niêm yết mức lãi suất 9,4%/năm cho kỳ hạn này. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng.
Sau ABBank, OCB áp dụng mức lãi suất 9,3%/năm cho kỳ hạn này. Ngoài ra, còn 4 ngân hàng khác huy động với lãi suất 9,2%/năm là Oceanbank, Bac A Bank, HDBank và LienVietPostBank.
Mức lãi suất 9,1% đang được ABBank và Saigonbank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.
Tại kỳ hạn 24 – 36 tháng, Ngân hàng Bản Việt có lãi suất cao nhất thị trường với 9,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền online. Trong khi OCB niêm yết 9,3%/năm.
Một số ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn này là Oceanbank, Bac A Bank, LienVietPostBank, ABBank và IVB.
Từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm. Mức lãi suất huy trên 9,5%/năm như vài tháng trước đã “biến mất” trên bảng niêm yết của các ngân hàng.
3. Tỷ giá USD suy yếu ngay đầu tuần
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 103,77 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,13% ở mức 1,0683. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,12% ở mức 1,2194. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,58% ở mức 132,60.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (20/3) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.619 VND/USD, giảm 1 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.438 – 24.800 VND/USD.
Tỷ giá USD trong nước sáng đầu tuần ghi nhận một số điều chỉnh trái chiều khi BIDV tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua bán trong khi Techcombank và Eximbank (HM:EIB) cùng hạ 10 đồng. Thêm vào đó, VietinBank và Sacombank (HM:STB) lần lượt giảm 17 và 8 đồng so với mức niêm yết cuối phiên tuần qua. Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.360 – 23.450 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.740 – 23.790 VND/USD. Trong đó, BIDV có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở Eximbank.
Trên thị trường “chợ đen”, khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.550 – 23.620 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận kết phiên tuần trước.
Giá vàng trong nước hôm nay ngày 20/3 điều chỉnh giảm 100.000 – 400.000 đồng/lượng.
- Giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng cho chiều mua và giảm 400.000 đồng/lượng cho chiều bán tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh hai miền Bắc và Nam.
- Giá vàng Tập đoàn Doji cũng điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng (mua vào) và giảm thêm 400.000 đồng/lượng (bán ra).
- Giá vàng tại Phú Quý niêm yết giá mua giảm 150.000 đồng/lượng và giá bán giảm 350.000 đồng/lượng.
- Giá vàng không thay đổi tại hệ thống PNJ (HM:PNJ) cho cả hai chiều giao dịch.
Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 66,65 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC ở mốc 67,37 triệu đồng/lượng.
Vàng nữ trang SJC trong sáng nay được điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 350.000 đồng/lượng, vàng nữ trang SJC loại 18K giảm 260.000 đồng/lượng và loại 14K giảm 210.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Theo investing