Cổ phiếu Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ – hôm nay có lúc giảm gần 30%, sau khi cổ đông lớn nhất nói không rót thêm vốn vì vấn đề pháp lý.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/3 với Bloomberg, Ammar Al Khudairy – Chủ tịch Saudi National Bank – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse cho biết sẽ không tăng cổ phần trong ngân hàng Thụy Sĩ này. “Chúng tôi chắc chắn không làm điều đó, vì nhiều lý do, trong đó đơn giản nhất là vì pháp lý.
Mức sở hữu là 9,8% rồi và nếu vượt 10%, chúng tôi sẽ phải tuân thủ theo các quy định mới, dù là của giới chức châu Âu hay Thụy Sĩ”, ông nói.
Thông tin này đã khiến cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh trên sàn Zurich. Mã này có thời điểm mất tới gần 30%, xuống thấp kỷ lục. Cổ phiếu Credit Suisse đã giảm 7 phiên liên tiếp.
Reuters cho rằng việc này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank cuối tuần trước. Các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ lao dốc ngay khi vừa mở cửa phiên tối nay. S&P 500 hiện giảm 1,3%, còn DJIA giảm 1,6%.
Credit Suisse hôm 14/3 công bố báo cáo thường niên cho năm 2022. Trong đó, họ cho biết đã phát hiện ra “các điểm yếu” trong việc kiểm soát báo cáo tài chính và chưa đảo ngược được việc khách hàng rút tiền khỏi đây.
Ngân hàng lớn nhì Thụy Sĩ vẫn đang tìm cách hồi phục sau loạt scandal năm ngoái, khiến niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng lung lay. Trong quý IV, số tiền khách hàng rút khỏi ngân hàng này đã lên hơn 110 tỷ franc Thụy Sĩ (120 tỷ USD). Họ cũng ghi nhận lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) – lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Khoản phí với hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng này đã lên kỷ lục 574 điểm cơ bản (5,74%), theo S&P Global Market Intelligence. Phí này tăng đồng nghĩa nhà đầu tư cho rằng rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang cao lên.
Nguồn Vnexpress.net