Thụy Sĩ không còn trung lập, khách giàu Trung Quốc lo tiền gửi ngân hàng

Giám đốc điều hành các ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ cho biết các khách hàng Trung Quốc giàu có đang lo lắng về việc gửi tiền ở nước này, vì Thụy Sĩ đang từ bỏ vai trò trung lập.

“Chúng tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn bị sốc khi Thụy Sĩ từ bỏ vị thế trung lập của mình. Tôi có bằng chứng thống kê, trước đây hàng trăm khách hàng tìm cách mở tài khoản, giờ thì không”, một giám đốc hội đồng giám sát các hoạt động châu Á của một ngân hàng cho biết.

Khách và chủ ngân hàng đều sợ “thủng” túi tiền

Báo Financial Times đã nói chuyện với các chủ ngân hàng cấp cao của 6 trong số 10 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, về trải nghiệm của họ với các khách hàng tư nhân và tất cả họ đều kể một câu chuyện tương tự nhau.

Nhiều chủ ngân hàng cho biết họ lo lắng về tác động tiêu cực đối với ngành kinh doanh ngân hàng béo bở lâu nay của Thụy Sĩ, đồng thời cũng là nguồn tăng trưởng quan trọng trong tương lai của nước này.

Chủ đề khách hàng rất quan tâm hiện nay là liệu tiền của họ có an toàn không trước các biện pháp trừng phạt, một nhân viên ngân hàng cho biết.

Bà Anke Reingen, nhà phân tích tại ngân hàng lớn nhất Canada RBC, nhấn mạnh những tài sản khách nước ngoài gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước này.

Châu Á – nguồn lợi nhuận hàng đầu

Bà Reingen nói khách hàng châu Á đã đóng góp mạnh mẽ vào lợi nhuận cho các ngân hàng Thụy Sĩ. Nếu nhìn vào giá cổ phiếu của các ngân hàng, chúng có mối tương quan rất chặt chẽ với các chỉ số chứng khoán của châu Á, vì một phần lớn thu nhập của họ đến từ khu vực này.

Một số ngân hàng Thụy Sĩ cho biết họ sẽ phải tìm cách xử lý hậu quả của “trò chơi chiến tranh”, nếu quan hệ quốc tế với Trung Quốc xấu đi đáng kể. Mặt khác, các ngân hàng sẽ tìm cách bảo vệ và trấn an các khách hàng Trung Quốc lớn nhất của họ.

Ông Andreas Venditti, một nhà phân tích của Tập đoàn Quản lý đầu tư và Ngân hàng Vontobel, cho biết tất cả các nhà quản lý tài sản của Thụy Sĩ đang phải cân nhắc các tác động gây ra từ cách tiếp cận cứng rắn của đất nước với các biện pháp trừng phạt.

“Đó là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự ở cấp hội đồng quản trị và điều hành các ngân hàng. Tất cả họ đang cố gắng chuẩn bị cho những gì sắp tới”, ông Venditti nói.

Kể từ khi diễn ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, Chính phủ Thụy Sĩ đã bắt tay với Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và những người Nga giàu có thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Trong những tuần gần đây, một số sự cố đã khiến khả năng trừng phạt với Trung Quốc, nước được cho là nghiêng về phía Nga trong cuộc xung đột, đến gần hơn.

Một nhà ngoại giao Mỹ có trụ sở tại thủ đô Bern cho biết các quan chức trong văn phòng của ông đang “theo dõi chặt chẽ” sự giàu có của người Trung Quốc ở Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ vẫn là trung tâm số một thế giới giữ tiền cho các nhà giàu có nước ngoài, chiếm 1/4 tổng số tài sản toàn cầu.

Theo Cục Kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ, khoảng 7,5 tỉ SFr (8 tỉ USD) tiền của Nga hiện đang bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của Thụy Sĩ. Số tiền trên chiếm tỉ lệ nhỏ trong số 46,1 tỉ SFr tài sản của khoảng 7.500 người Nga giàu có định cư ở nước này.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, châu Á đã trở thành một nguồn doanh thu quan trọng hơn nhiều.

Nguồn Vnexpress.net

0865 205 590