Lạm phát của Eurozone trong tháng 10 tăng mạnh hơn dự báo
Theo các nhà phân tích, lạm phát chung đã tăng nhanh hơn dự báo, nhưng lạm phát lõi (không tính giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) vẫn ổn định ở mức 2,7% từ tháng 9.
Ngày 31/10, dữ liệu chính thức của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng mạnh hơn dự kiến vào tháng 10 do chi phí thực phẩm tăng, tuy nhiên vẫn phù hợp với mục tiêu 2% được đề ra.
Cụ thể, giá tiêu dùng tăng theo năm tại khu vực đồng tiền chung đã đạt 2,0% vào tháng 10, tăng từ mức 1,7% vào tháng 9, vốn là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống dưới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong hơn 3 năm qua.
Theo các nhà phân tích, lạm phát chung đã tăng nhanh hơn dự báo, nhưng lạm phát lõi (không tính giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) vẫn ổn định ở mức 2,7% từ tháng 9.
Giá thực phẩm và đồ uống tăng lên 2,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,4% được ghi nhận trong tháng 9. Trong khi đó, giá năng lượng giảm 4,6%, chậm hơn so với mức giảm 6,1% của một tháng trước đó.
Với lạm phát hạ nhiệt kể từ mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022, ECB đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay khi tập trung vào việc giải quyết tình trạng tăng trưởng chậm của châu Âu.
Mặc dù lạm phát tăng cao hơn, ECB có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12, nhưng cũng có thể lựa chọn giảm chi phí đi vay với tốc độ chậm hơn.
Ngoài ra, Eurozone cũng ghi nhận mức tăng trưởng 0,4% trong khoảng thời gian từ tháng 7-9 năm nay, mức tăng cao hơn dự kiến nhưng vẫn còn thấp hơn so với mức 0,7% của Mỹ trong cùng kỳ.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung, lạm phát đã tăng mạnh vào tháng 10, lên 2,4% do giá thực phẩm tăng cao.
Trong khi đó, tại Pháp, giá tiêu dùng tăng nhẹ lên 1,5% trong tháng này, từ mức 1,4% của tháng 9. Slovenia ghi nhận tỷ lệ lạm phát bằng 0 vào tháng 10./.
Theo Vietstock