Cơn đau kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc

Cơn đau kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc

Bức tranh kinh tế u ám của Trung Quốc đang khiến giới chuyên gia lo ngại. Sau loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng được công bố vào cuối tuần qua, các nhà phân tích đã phải hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Không có nhiều tin tức tích cực trong đợt công bố số liệu gần đây nhất, và đây là xu hướng đã kéo dài trong vài tháng qua”, Eswar Prasad, Giáo sư về thương mại và kinh tế quốc tế tại Đại học Cornell, chia sẻ trên chương trình “Street Signs Asia” của CNBC trong ngày 16/09.

Ông nhấn mạnh rằng cả những vấn đề dài hạn như giá bất động sản và các vấn đề ngắn hạn như nhu cầu nội địa, đặc biệt là đầu tư tư nhân và tiêu dùng hộ gia đình, đều không mấy khả quan.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay đang “phát tín hiệu đỏ, hoặc gần như đỏ”, Prasad cảnh báo.

Tuy nhiên, Duncan Wrigley, Chiến lược gia trưởng tại Everbright Securities International, lại có cái nhìn tích cực hơn đôi chút. Ông cho rằng mặc dù đang trải qua một cuộc suy thoái lớn trong lĩnh vực nhà ở, Trung Quốc vẫn chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống như nhiều quốc gia khác đã từng trải qua.

“Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc cách ly quá trình điều chỉnh mạnh trên thị trường nhà ở khỏi khu vực tài chính và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Thay vào đó, họ đang trải qua một quá trình điều chỉnh chậm chạp, đau đớn và nghiệt ngã”, Wrigley nhận định.

Số liệu công bố hôm thứ Bảy cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư đô thị trong tháng 8 đều tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi giá nhà so với cùng kỳ năm ngoái giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm qua.

Prasad chỉ trích Chính phủ Trung Quốc vì quá chậm chạp trong việc thực thi các biện pháp mạnh mẽ để kích thích nền kinh tế. “Việc sử dụng chính sách tiền tệ đòi hỏi những hành động khá quyết liệt và sớm, điều mà chúng ta chưa thấy từ Chính phủ Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Helen Qiao, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa tại Bank of America, dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ không cắt giảm lãi suất nhiều như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, bà cũng cho rằng sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải có thêm các biện pháp nới lỏng.

0865 205 590