Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 8.2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.
Sáng 6.9.2024, thông tin về tình hình kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết: Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8.2024 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7.2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Tính chung tháng 8.2024, chỉ số giá tiêu dùng ổn định so với tháng trước.
So với tháng 12.2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2024 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 8 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Theo ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam 2022, trong 2 quý cuối năm, thông thường giá hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng, đặc biệt là dịp Trung thu, Tết dương lịch… nên lạm phát cả năm 2024 có thể sẽ vượt mức 4% nếu các cơ quan chức năng không có động thái bình ổn thị trường, ngăn chặn tiểu thương “tát nước theo mưa” tăng giá hàng hóa mỗi khi có bão lũ hoặc ngày lễ.
Theo investing