Đà giảm của tỷ giá gần đây chưa thể kéo dòng vốn ngoại trở lại với chứng khoán, bởi biến động khiến việc chọn thời điểm ra – vào thị trường khó hơn, theo chuyên gia.
Trong nửa đầu năm, áp lực tỷ giá cùng với sự dịch chuyển dòng vốn về nơi có mức độ sinh lời tốt hơn khiến khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên Sàn HoSE, khối ngoại bán ra liên tục trong một năm qua, mua vào duy nhất ở tháng 1.2024. Quy mô bán ròng của khối ngoại trên HoSE từ đầu năm đến cuối tháng 8 lên đến hơn 2 tỷ USD (~53.000 tỷ đồng).
Trong hơn một tháng gần đây, tỷ giá liên tục giảm khi đồng USD. Giá bán USD trên thị trường ngân hàng lần đầu sau 5 tháng về dưới ngưỡng 25.000 đồng. Tỷ giá USD chỉ còn tăng 2,3% kể từ đầu năm, so với mức đỉnh 4,6% hồi cuối tháng 6.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, việc tỷ giá giảm mạnh gần đây chưa thể kéo dòng vốn khối ngoại trở lại ngay lập tức.
“Tỷ giá giảm dường như là một yếu tố tích cực, nhưng khi hạ quá nhanh thì không hẳn là điều tốt cho thị trường chứng khoán”, ông Minh nhận xét.
Trên thực tế, tỷ giá là câu chuyện hai chiều với đầu tư chứng khoán. Tỷ giá tăng gây sức ép lên những nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu danh mục trên thị trường, do lợi nhuận hay việc hiện thực hóa kết quả đầu tư chuyển sang USD sẽ bị thu hẹp khi tỷ giá tăng. Khi tỷ giá hạ nhiệt, áp lực này sẽ giảm bớt.
uy nhiên, tỷ giá ngoại hối giảm không hẳn là lợi thế hoàn toàn. Những quỹ ngoại đang có tỷ trọng tiền mặt cao sẽ gặp khó khăn trong việc chọn điểm vào thị trường, bởi giá trị đầu tư giảm khi quy đổi từ USD ra tiền đồng.
Khối ngoại hiện đang cầm tiền mặt nhiều hơn cổ phiếu sau chuỗi bán ròng liên tục, việc chọn thời điểm tham gia thị trường càng khó khi giá trị quy đổi sang tiền đồng giảm. Chưa kể, nếu đồng USD tăng giá trở lại trong tương lai thì việc tham gia thị trường lúc này sẽ chịu “lỗ kép”.
“Nhà đầu tư nước ngoài cần sự ổn định, tức là tỷ giá đừng biến động quá mạnh”, chuyên gia từ Yuanta nhận xét. Sự ổn định này giúp họ xây dựng phương án đầu tư, gồm các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, trở nên dễ kiểm soát hơn.
Dòng vốn khó trở lại ngay lập tức, tình hình sẽ tốt hơn từ cuối quý III.
Sức mạnh của đồng USD sẽ khó trở lại mức cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến gần tới quyết định giảm lãi suất vào tháng 9. Điều này cũng giúp chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam đồng và USD thu hẹp, giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Ở chiều ngược lại, khả năng giá bán USD giảm sâu cũng khó xảy ra, khi sản xuất khởi sắc hơn trong nửa cuối năm thúc đẩy nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tận dụng đà giảm để mua thêm ngoại tệ, bù đắp cho phần đã bán ra để hỗ trợ thị trường vừa qua.
“Tỷ giá có thể ổn định hơn từ cuối quý III và IV năm nay, tức là biên độ dao dộng sẽ không lớn như 6 tháng vừa qua”, ông Minh dự báo.
Tương tự, các công ty chứng khoán khác cũng cho rằng thị trường ổn định dần trong hai quý cuối năm nay. “Chúng tôi tin rằng áp lực lên VND (HM:VND) sẽ giảm”, báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS (HN:MBS)) viết.
Theo nhóm phân tích, các động lực làm cho USD “đặc biệt mạnh mẽ” trên toàn cầu 4 tháng đầu năm nay đã bắt đầu suy yếu. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy USD có khả năng giảm giá khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) mỗi quý từ quý III.
SSI (HM:SSI) Research dự báo, áp lực rút vốn có thể giảm bớt vào cuối năm với kỳ vọng Fed hạ lãi suất, tạo động lực tích cực mới cho thị trường.
“Lãi suất tăng và tỷ giá biến động có thể đã phản ánh lên sự sụt giảm của thanh khoản thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Dù vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì mục tiêu 1.300-1.350 điểm cho VN-Index vào cuối năm nay”, báo cáo triển vọng của SSI Research viết.
Tương tự, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) duy trì nhận định tích cực về thị trường chứng khoán trong dài hạn. Điều này đến từ “tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đi kèm với chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá”. Cũng theo nhóm phân tích, chìa khóa để kích thích sự sôi động trên thị trường nằm ở mức định giá hấp dẫn, dòng vốn ngoại đang có xu hướng tạo đáy, phục hồi. Ngoài ra, nó còn đến từ nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán vào 2025 của cơ quan quản lý.
Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 – thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên Nhóm 2 – thị trường mới nổi. Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Tính toán trước đây của WB, chứng khoán Việt Nam có thể hút thêm 25 tỷ USD vốn ngoại khi được nâng hạng. Khung pháp lý đang được nhà chức trách hoàn thiện, như nới điều kiện ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại, để thị trường sớm được xem xét nâng hạng.
Theo investing