Chuyên gia lo ngại hai rủi ro tới kinh tế Mỹ nếu Trump trở lại Nhà trắng là thương chiến Mỹ – Trung gia tăng và lạm phát cao.
Trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng, cựu tổng thống Donald Trump được một số doanh nghiệp ủng hộ vì hứa tiếp tục giảm thuế.
Hồi 2017, thuế doanh nghiệp ở Mỹ là 35% khi ông đắc cử tổng thống và đến nay mức này hạ xuống 21%. Cựu tổng thống hứa sẽ cắt giảm tiếp thuế khi quay lại nắm quyền, trái ngược với mong muốn tăng lên 28% của đảng Dân chủ. Đó phần nào cũng là căn cứ cho giới đầu tư tài chính đánh cược vào “Trump Trade” – một thuật ngữ chỉ các lựa chọn đầu tư đón đầu chính sách khi Trump trở lại làm tổng thống.
“Trump Trade xoay quanh triển vọng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, có lợi cho các công ty trong nước”, Brian Jacobsen, kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management nói.
Tuy nhiên, viễn cảnh chiến thắng của cựu tổng thống và tác động tới kinh tế Mỹ cũng là “rủi ro lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối diện trong nửa cuối năm nay và sang 2025”, theo Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB.
Tương tự, một số chuyên gia khác cũng chỉ ra các rủi ro với kinh tế Mỹ và toàn cầu khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, nhất là thuế quan và lạm phát, vốn có quan hệ nhân – quả.
Về thuế, Trump tự xưng là “người đàn ông thuế quan” (tariff man) và để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ đầu tiên qua thương chiến với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ tăng thuế với hàng Trung Quốc lên tới 60% nếu giành lại quyền lực.
Stephen Weymouth, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Georgetown không rõ cựu tổng thống sẵn sàng theo đuổi các biện pháp cực đoan như vậy đến đâu. “Tôi tin rằng ông ấy có thể sẽ tăng thuế ở mức độ nào đó trong nhiệm kỳ thứ hai”, ông nêu trên CNBC.
Nhà kinh tế học Stephen Roach ví việc Trump tăng thuế nếu tái cử giống như “lựa chọn hạt nhân” trong xung đột kinh tế quốc tế. Eswar Prasad, Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell cảnh báo điều này làm gia tăng sự chia rẽ về thương mại, tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo một số nhà bình luận, việc Trump chọn JD Vance làm người đồng tranh cử càng cho thấy đảng Cộng hòa nghiêm túc với các kế hoạch thuế quan. Thượng nghị sĩ đến từ Ohio là người ủng hộ mạnh mẽ áp thuế hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, Giáo sư Reinsch dự đoán ngay cả khi mục tiêu của Trump trong tăng thuế hàng Trung Quốc là buộc nước này đàm phán một thỏa thuận thương mại thuận lợi hơn, cũng có “rất ít cơ hội đạt hiệu quả”. Thực tế, thỏa thuận giai đoạn một mà ông đạt được với Bắc Kinh năm 2019 có ít điều khoản thành hiện thực.
Ngoài ra, Heng Koon How của UOB cảnh báo các đối tác thương mại của Mỹ đều gặp rủi ro vì Trump đã đưa ra mức thuế thương mại phổ quát 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào nước này.
Lạm phát duy trì ở mức cao cũng là mối lo ngại của Mỹ và nhiều nước khác. Giá dầu thô trở lại trên 85 USD mỗi thùng khi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông tiếp diễn và chi phí vận chuyển tăng. Đồng và các kim loại công nghiệp khác cũng lên mức cao nhất kể từ 2021. Giá hàng hóa leo thang có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu. Tại Mỹ và Australia, chi phí nhà ở cao hơn cũng góp phần gây ra lạm phát.
Trong bối cảnh này, việc tăng thuế nhập khẩu cùng với giảm thuế doanh nghiệp và siết nhập cư là 3 yếu tố tạo thành nguy cơ thổi bùng lạm phát, nếu Mỹ bước vào kỷ nguyên “Trump 2.0”, như cách ví von của CNBC về nhiệm kỳ 2 của ông.
Heng Koon How nói những thay đổi do Trump đề xuất về thuế, thương mại và nhập cư có tính chất mở rộng, nghĩa là chúng có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế. “Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa chúng có thể gây ra hậu quả kéo dài tình trạng lạm phát”, ông nhận định.
Theo chuyên gia này, ở khía cạnh chính sách thuế, các khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp được ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đến kỳ gia hạn vào năm 2025. Nếu tái đắc cử, ông có thể sẽ gia hạn các khoản cắt giảm thuế. Động thái này gây lạm phát vì nó ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn và gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Với nhập cư, cựu tổng thống đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế, thậm chí đề xuất hồi hương những người nhập cư trái phép. Điều này siết lực lượng lao động và có thể dẫn đến lạm phát do thiếu nhân lực.
Một phân tích gần đây của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy việc trục xuất 1,3 triệu công nhân (do nhập cư bất hợp pháp) sẽ khiến quy mô nền kinh tế Mỹ giảm 2,1%, tức là tạo ra một cuộc suy thoái. Cùng với đó, thuế quan của Trump sẽ khiến một hộ gia đình Mỹ điển hình phải trả thêm 1.700 USD một năm.
Nhóm chuyên gia Kimberly Clausing và Mary Lovely của Viện Kinh tế quốc tế Peterson kết luận các đề xuất của Trump dẫn đến những thay đổi chính sách thuế không công bằng nghiêm trọng. Tức là, chuyển gánh nặng thuế từ người giàu có sang các thành viên có thu nhập thấp trong xã hội, đồng thời tổn hại cho công nhân và ngành công nghiệp Mỹ. Việc này cũng dẫn tới nguy cơ trả đũa từ các đối tác thương mại.
Kimberly Clausing là cựu quan chức Bộ Tài chính. Bà lưu ý các đề xuất thuế của Trump đang phủ lên hơn 3.000 tỷ USD hàng nhập khẩu, tức tăng 10 lần so với những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong khi cựu tổng thống lập luận các mức thuế khổng lồ sẽ bảo vệ việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ, bà Clausing nói nó có thể khiến việc nhập khẩu nguyên liệu thô của các nhà máy trở nên đắt đỏ. Điều này làm giá hàng hóa tăng. “Đây sẽ là một thảm họa lớn”, bà nói.
Reuters cho biết một số nhà đầu tư lo ngại lạm phát, thâm hụt tài chính gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Bởi, thuế nhập khẩu tăng, chi tiêu hoang phí của chính phủ và doanh thu từ thuế nội địa thấp hơn.
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử, cựu tổng thống cho hay các chính sách ủng hộ tăng trưởng của ông giúp giảm lãi suất lẫn thâm hụt. Giới chuyên gia cũng chưa rõ “Trump 2.0” sẽ đạt được điều đó cụ thể bằng những cách nào.
Hồi tháng 6, hãng tin AP gửi cho chiến dịch tranh cử của Trump 20 câu hỏi để làm rõ quan điểm kinh tế của ông. Chiến dịch từ chối trả lời và người phát ngôn Karoline Leavitt nhấn mạnh rằng tốt nhất nên theo dõi các video clip phát biểu của cựu tổng thống.
Stephen Moore, cố vấn không chính thức của Trump và chuyên gia kinh tế tại Heritage Foundation nói ông đã từng là tổng thống nên cử tri có thể dựa trên thành tích trong nhiệm kỳ vừa qua để đánh giá khả năng điều hành kinh tế.
Nguồn Vnexpress.net