Tổng thống Joe Biden và đối thủ, ông Donald Trump, đã có màn tranh luận trực tiếp đầu tiên của cuộc bầu cử năm 2024 trên đài CNN vào tối thứ Năm (sáng 28/6 tại Việt Nam),
Giữa lúc nhiều người Mỹ đang lo ngại về tuổi tác và thể lực của ông Joe Biden để có thể tiếp tục đảm nhận chức vụ. Nếu nói rằng màn thể hiện của ông Biden trong cuộc tranh luận này không làm công chúng bớt lo ngại thì vẫn là “nói giảm nói tránh”, theo bình luận của phóng viên BBC Anthony Zurcher.
Về phía ông Donald Trump, theo nhận định từ cựu dân biểu Đảng Dân chủ – bà Stephanie Murphy – ông Trump đã đưa ra những bình luận “không hoàn toàn đúng” và cần phải kiểm chứng. Bà cho biết thêm rằng bà có lo ngại về khả năng ông Trump không sẵn lòng chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Theo bà Murphy, nhìn chung cuộc tranh luận đã làm nổi rõ gánh nặng tuổi tác của ông Biden, trong khi hình thức tranh luận được kiểm soát đã giúp ông Trump mang lại một màn trình diễn có cân nhắc hơn.
Rodney Davis, cựu dân biểu Đảng Cộng hòa, nói với BBC rằng cuộc tranh luận là “một chiến thắng rõ ràng dành cho Tổng thống Trump”, đồng thời nói thêm rằng ông Trump đã củng cố vị thế người dẫn đầu cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống.
Ông nói: “Thật không may cho các đảng viên Đảng Dân chủ trên khắp nước Mỹ, hình thức tranh luận này đã giúp ích cho Tổng thống Trump”.
Trong cuộc “đối đầu” trực tiếp đầy căng thẳng lần này, cả Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã không ngừng tranh cãi về thành tích kinh tế của bản thân. Cả hai đều đổ lỗi cho đối phương về tình trạng lạm phát cao hiện tại, cho rằng họ có giải pháp tốt nhất để giảm lạm phát, theo Vietstock.
Thực tế, người dân Mỹ đang phải trả giá cao hơn cho các hàng hóa cơ bản, từ cửa hàng tạp hóa đến trạm xăng. Điều này khiến sự gia tăng lạm phát trở thành một trong những vấn đề then chốt nhất trong cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Biden.
Góc nhìn kinh tế của Tổng thống đương nhiệm Biden
Dù nền kinh tế đã hoạt động tốt dưới thời Biden, vị Tổng thống đương nhiệm vẫn gặp khó thuyết phục người tiêu dùng rằng kế hoạch “Bidenomics” của ông đang phát huy hiệu quả. Các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng tập trung nhiều hơn vào việc giá cả đã tăng bao nhiêu trong 3 năm qua hơn là sự hạ nhiệt của lạm phát trong thời gian gần đây.
Ông Biden xem nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tầng lớp trung lưu và công nhân, nhắc lại thời thơ ấu ở Scranton, Pennsylvania. Ông đề cao nỗ lực của chính quyền trong việc kiểm soát “lạm phát tham lam” (greedflation) và “lạm phát co hẹp” (shrinkflation), kiểm soát giá thuốc kê đơn, phí thấu chi ngân hàng và thẻ tín dụng, và loại bỏ các “khoản phí ẩn”.
Tuy nhiên, giá cả đã tăng đáng kể trong năm đầu tiên ông Biden nhậm chức. Biden cho rằng Trump đã để lại một nền kinh tế suy sụp khi ông nhậm chức, mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi từ đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2021. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách của cả Trump và Biden đều có khả năng đã góp phần vào lạm phát.
“Đến khi ông ấy rời đi, mọi thứ đã rơi vào hỗn loạn. Thực sự hỗn loạn”, Biden nói.
Ông cũng đề cập đến giá nhà ở, hứa sẽ xây dựng 2 triệu đơn vị nhà mới và giới hạn tiền thuê nhà. Dù tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục, nhưng Biden vẫn không được ghi nhận về sự cải thiện của nền kinh tế.
Quan điểm kinh tế từ phía ông Trump
Trong khi đó, ông Trump đổ lỗi cho Biden gây ra lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng cao. Vị cựu Tổng thống Mỹ cam kết chấm dứt “cơn ác mộng lạm phát của Biden”. Ông cũng gợi nhớ lại thời kỳ kinh tế ổn định tương đối khi mới nhậm chức vào năm 2017, một giai đoạn ông kế thừa từ chính quyền Obama.
Theo Trump, “mọi thứ đang diễn ra rất tốt” cho đến khi cách xử lý của Biden đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra lạm phát. Ông cũng bảo vệ động thái cắt giảm thuế cho các tập đoàn lớn và những người có thu nhập cao, cho rằng đây là động lực lớn nhất thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn trước COVID-19.
Moody’s Analytics dự đoán lạm phát sẽ tăng tốc trở lại nếu Trump thắng cử. Theo nghiên cứu của họ, kế hoạch kinh tế của Trump sẽ gây ra suy thoái vào giữa năm 2025, với lạm phát tăng lên 3.3% so với dự báo 2.4% nếu Biden thắng cử.
Dù vậy, các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ vẫn tin tưởng Đảng Cộng hòa hơn trong việc xử lý kinh tế và lạm phát. Theo cuộc khảo sát của ABC News và Ipsos vào cuối tháng 4, khoảng 46% người tham gia khảo sát tin tưởng ông Trump về vấn đề kinh tế hơn so với chỉ 32% người tin tưởng ông Biden.
So sánh kế hoạch kinh tế của ông Trump và Tổng thống đương nhiệm Biden
Hàng rào thuế quan: Cả hai ứng cử viên đều kêu gọi tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng ông Trump đề xuất mức thuế cao hơn đáng kể. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng chiến lược của Trump có thể làm tăng lạm phát và gây hại cho nền kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết sẽ tiếp tục áp thuế có mục tiêu đối với một số ngành, giống như ông đã làm khi áp thuế lên xe điện và chip của Trung Quốc.
Thuế: Tổng thống Biden chỉ trích việc cắt giảm thuế năm 2017 của Trump, cho rằng điều này chỉ có lợi cho các tập đoàn và người giàu. Ông Biden đề xuất tăng thuế cho các tập đoàn và người giàu, đồng thời duy trì mức thuế thấp cho những người có thu nhập dưới 400,000 USD mỗi năm.
Lãi suất: Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump không ngần ngại gây áp lực lên Fed và kêu gọi họ cắt giảm lãi suất xuống mức 0. Trong khi đó, chính quyền Biden nhấn mạnh sự độc lập của ngân hàng trung ương là “một yếu tố quan trọng để kiểm soát lạm phát”.
An sinh xã hội: Tổng thống đương nhiệm Biden nói ông sẽ tăng giới hạn thuế để ngăn cắt giảm phúc lợi cho quỹ An sinh Xã hội. Ông Trump bác bỏ điều này và gọi Biden là kẻ nói dối, nói rằng ông không có kế hoạch cắt giảm phúc lợi.
Theo investing