Tuần tới, thông điệp từ các ngân hàng trung ương Anh, Thụy Sĩ và Na Uy dự kiến sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tốc độ cắt giảm lãi suất trên toàn cầu đang chậm lại, trong khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ và Trung Quốc sẽ là phép thử về khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.
Cuộc khủng hoảng nguồn cung khiến thị trường ca cao trở thành tâm điểm chú ý, trong khi châu Âu đang chuẩn bị cho một mùa hè cuồng nhiệt cùng thể thao với giải đấu Euro 2024 khai mạc tại Đức.
Dưới đây là những sự kiện quan trọng trong tuần 17-23/6 sẽ tác động tới lĩnh vực tài chính toàn cầu:
1/ Hàng loạt ngân hàng lớn họp về chính sách
Các ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Na Uy sẽ tổ chức kỳ họp chính sách vào thứ Năm (20/6).
Ngân hàng Anh (BOE) có thể sẽ dập tắt mọi hy vọng mà đảng Bảo thủ cầm quyền mong đợi về việc cắt giảm lãi suất trước ngày bầu cử ngày 4 tháng 7. Các thị trường hiện dự đoán việc BOE nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ đến muộn hơn thay vì sớm hơn, với khoảng 40% khả năng sẽ thwcj hiện vào tháng 8 và 70% khả năng vào tháng 9, do lạm phát lương và dịch vụ tiếp tục gia tăng.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã khởi động việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Hiện thị trường dự đoán 50-50 khả năng họ sẽ thực hiện một đợt cắt giảm khác vào thứ Năm (20/6) sau khi lạm phát ổn định trong tháng Ba. Na Uy, dự kiến không vội cắt giảm lãi suất với lạm phát cơ bản khoảng 4%, sẽ công bố dự báo mới về triển vọng kinh tế. Ngân hàng trung ương Australia sẽ họp vào thứ Ba (18/6) và dự kiến sẽ không hạ lãi suất trong một khoảng thời gian, có thể là vài tháng.
Sau cuộc chạy đua tăng lãi suất khi lạm phát gia tăng, động thái trên toàn cầu đang hướng tới cắt giảm lãi suất, nhưng tốc độ giảm diễn ra chậm chạp.
Diễn biến lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.
2/ Dữ liệu bán lẻ của Mỹ
Các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá sức mạnh của nền kinh tế Mỹ – và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, điều hiện không được mong đợi trước tháng 9 – sẽ phân tích kỹ lượng số liệu doanh số bán lẻ hàng tháng, sẽ công bố vào ngày 18/6.
Theo kết quả khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự đoán doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 5 sẽ tăng 0,3%, sau khi bất ngờ đi ngang trong tháng 4.
Chi tiêu tiêu dùng là lĩnh vực trọng tâm chú ý của Phố Wall khi các nhà đầu tư tìm cách đánh giá tác động của lãi suất cao đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Dữ liệu hồi đầu tháng này cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 5 đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến và mức tăng lương hàng năm đã tăng trở lại.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ không thay đổi trong tháng 5 do xăng và các hàng hóa khác rẻ hơn bù đắp chi phí thuê nhà đắt lên.
Dữ liệu bán lẻ ở Mỹ.
3/ Hy vọng vào dữ liệu từ Trung Quốc
Các nhà đầu tư đang giảm các giao dịch để chờ đợi sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, đặc biệt là khi lĩnh vực bất động sản tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng.
Dữ liệu về giá nhà của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Hai (17/6) – lần công bố đầu tiên sau khi Bắc Kinh vào tháng trước thông báo các bước đi “lịch sử” nhằm ổn định thị trường bất động sản, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Sản lượng công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và dữ liệu doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 5 cũng sẽ được công bố, với hy vọng doanh số bán lẻ có thể cho thấy mức tăng mạnh hơn sau dữ liệu của tháng 4 gây thất vọng.