OPEC+ vẫn muốn giảm sản xuất để kéo giá dầu lên, trong bối cảnh giá thấp hơn mức mà nhiều thành viên cần để cân bằng ngân sách.
Sau cuộc họp hôm 2/6, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thống nhất gia hạn chính sách giảm sản xuất đến hết năm 2025. Hiện tại, OPEC+ vẫn muốn hỗ trợ giá dầu, trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu trên thế giới yếu, lãi suất cao và Mỹ tăng sản xuất dầu thô.
Quyết định này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Giá dầu thế giới đã giảm 10% sau khi lên cao nhất 5 tháng hồi đầu tháng trước. Giá Brent hiện là 81 USD một thùng. Con số này thấp hơn mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách.
Từ cuối năm 2022, OPEC+ đã thực hiện hàng loạt đợt giảm sản xuất mạnh tay. Hiện tại, các nước cam kết rút khỏi thị trường tổng cộng 5,86 triệu thùng dầu một ngày, tương đương 5,7% nhu cầu toàn thế giới.
Mức giảm này gồm 2 triệu thùng một ngày áp dụng với tất cả thành viên. 1,66 triệu thùng một ngày trong đợt giảm tự nguyện lần một với 9 nước. Và 2,2 triệu thùng một ngày trong đợt giảm tự nguyện lần hai với 8 thành viên.
Sau phiên họp hôm 2/6, mức giảm 2,2 triệu thùng sẽ được gia hạn đến quý III năm nay. Mức giảm 3,66 triệu thùng áp dụng đến cuối năm 2025.
Tổng cộng, nhóm này sẽ sản xuất 39,725 triệu thùng dầu một ngày trong năm tới.
Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu chậm tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – đang gây sức ép lên giá dầu thế giới. Tồn kho dầu tại các nền kinh tế phát triển cũng đang tăng.
Trong báo cáo tháng mới nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay, về 1,1 triệu thùng một ngày. Mức trước đó là 1,24 triệu thùng. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là châu Âu, yếu đi.
Trong khi đó, nguồn cung lại đang tăng lên. IEA dự báo cung dầu toàn cầu tăng 580.000 thùng một ngày năm nay. Trong khi chỉ 2 tháng trước, họ còn cho rằng năm nay thế giới sẽ thiếu dầu nếu OPEC+ tiếp tục giảm sản xuất.
Nguồn Vnexpress.net