Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ tăng thuế lên hàng Trung Quốc?
Các biện pháp tăng thuế mới của Chính phủ Mỹ nhằm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thương mại.
Sự khép lại của một kỷ nguyên mở rộng thương mại
Trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21, nhiều sản phẩm tiêu dùng trên kệ hàng ở Mỹ đã trở nên rẻ hơn. Làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác đã giúp hạ giá thành của trò chơi điện tử, áo phông, bàn ăn, thiết bị gia dụng và nhiều sản phẩm khác.
Các cửa hàng giảm giá và hãng bán lẻ trực tuyến như Walmart và Amazon (NASDAQ:AMZN) đẩy mạnh việc bán hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại nước ngoài. Tuy nhiên, những hàng nhập khẩu đó đồng thời cũng khiến một số nhà máy của Mỹ phá sản và hơn một triệu công nhân mất việc làm.
Các nhà kinh tế lập luận rằng, với lựa chọn này, có thể một số công nhân Mỹ sẽ mất việc, nhưng nền kinh tế sẽ đạt được lợi ích tổng thể bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa có giá rẻ hơn và giải phóng các nguồn lực doanh nghiệp để đầu tư vào các ngành có giá trị cao hơn, tận dụng lợi thế về sáng tạo và đổi mới của Mỹ.
Thế nhưng, nhiều cử tri không cảm thấy hài lòng về điều này. Bị ảnh hưởng bởi các nhà máy đóng cửa, các ngành công nghiệp dần lụi tàn và tiền lương trì trệ kéo dài, cử tri Mỹ hồi năm 2016 đã lựa chọn một tổng thống cam kết sẽ đưa ra những biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bốn năm sau, họ tiếp tục bầu một người khác.
Trên thực tế, dù thuộc hai đảng phái khác nhau, cả chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden, đều đã có những nỗ lực khiến việc mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.
Họ đã đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc thuộc các ngành công nghiệp truyền thống mà nước Mỹ đã bỏ trống trong suốt một phần tư thế kỷ qua, như quần áo và thiết bị, đồng thời nhắm tới cả các ngành mới hơn như tấm pin mặt trời, khi các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với các đối thủ Trung Quốc.
Quyết định của Tổng thống Biden hôm thứ Ba (14-5-2024) nhằm hệ thống hóa và tăng cường các biện pháp thuế quan đã được áp đặt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump đã cho thấy rõ rằng: Mỹ đã khép lại một kỷ nguyên kéo dài hàng thập niên mở rộng thương mại với Trung Quốc.
Minh chứng rõ nét cho sự thay đổi đó được thể hiện rõ nhất qua mức thuế quan 100% áp vào sản phẩm xe điện của Trung Quốc. Những chiếc xe điện giá rẻ, thậm chí là có giá dưới 10.000 đô la, đang tràn lan tại các phòng trưng bày trên khắp thế giới, nhưng lại bất lực trước các rào cản bảo vệ thị trường mà Chính phủ Mỹ dựng lên.
Bên cạnh đó, giới chức Washington cũng nhắm tới các sản phẩm Trung Quốc thuộc một loạt ngành được coi là chiến lược đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Thuế quan tăng từ 7,5% lên 25% với pin lithium cho xe điện; từ 25% lên 50% với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời; từ 0% lên 25% với một số khoáng sản quan trọng. Mức thuế với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ là 25%, trong khi thuế đối với một số thiết bị, trang bị y tế cũng tăng mạnh. Chưa hết, vào năm 2025, thuế với chất bán dẫn sẽ tăng gấp đôi lên 50%.
Một số ý kiến cho rằng, các mức thuế mới chỉ nhằm vào số hàng hóa trị giá 18 tỉ đô la – một phần nhỏ trong kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia, và do vậy tác động của chúng sẽ không quá lớn, và chỉ trong phạm vi ngắn hạn.
Tuy nhiên, bức tranh thực tế có thể phức tạp hơn nhiều. Bởi bên cạnh việc bổ sung các mức thuế mới, chính quyền Tổng thống Biden đồng thời vẫn giữ nguyên chương trình áp thuế vào số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỉ đô la mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump triển khai từ năm 2018 và 2019.
Chia sẻ với CNN, nhà kinh tế Joe Brusuelas tại RSM US đánh giá: “Các mức thuế mà chính quyền Tổng thống Biden vừa công bố báo trước một mùa đông dài và lạnh lẽo của xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Những tác động đến kinh tế Mỹ
Thông báo về mức thuế mới xuất hiện trong bối cảnh thị trường việc làm ở Mỹ vẫn vững chắc, tăng trưởng kinh tế ổn định và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang trong cuộc chiến dai dẳng nhằm kiềm chế đợt lạm phát bùng nổ nhanh nhất trong vòng 40 năm qua, và lãi suất vẫn đang được giữ ở mức cao.
Ông Ryan Sweet, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng kế hoạch thuế quan của Tổng thống Joe Biden “về cơ bản không có tác động nhiều đến chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không quá chú ý tới việc này, vì vậy thuế quan sẽ không tạo thêm lý do để giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn”.
Tuy nhiên, những kỳ vọng về việc các biện pháp thuế quan có thể giúp vực dậy ngành sản xuất Mỹ hiện đang phải đối mặt với nhiều nghi ngại.
Theo CNN Business, các biện pháp thuế quan mà Chính phủ Mỹ từng áp dụng đối với thép và nhôm nhập khẩu hồi năm 2002, hay lốp xe Trung Quốc hồi năm 2009, dù mang lại một số tác dụng trong bảo vệ việc làm, nhưng sau đó đều gây thiệt hại lớn hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khi khiến giá cả hàng hóa tăng cao.
Còn theo một báo cáo của Fed hồi năm 2019, các mức thuế do Tổng thống Trump áp đặt năm 2018 đã không làm cho số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất tăng ngay lập tức, mà thậm chí còn dẫn tới tổng số việc làm sụt giảm và giá cả tăng lên do chi phí đầu vào cao hơn và các mức thuế trả đũa.
Do vậy, theo chuyên gia Ryan Sweet, thuế quan thường có ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.
Tệ hơn nữa, một số doanh nghiệp dường như đã lợi dụng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đẩy giá lên cao hơn nữa. Ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS) cho biết các biện pháp thuế quan đã tạo ra cơ hội tăng giá cho các nhà sản xuất Mỹ và các nhà xuất khẩu không phải thuộc Trung Quốc.
Hệ quả là, theo các số liệu thống kê, những biện pháp thuế quan năm 2018 đã khiến mỗi hộ gia đình Mỹ thiệt hại 419 đô la mỗi năm do gánh nặng thuế cao hơn và các tổn thất khác trên thị trường.
Căng thẳng thương mại liệu có lan rộng?
Trung Quốc liên tục phủ nhận các cáo buộc và nói rằng phương Tây đang xem đây là cái cớ để theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung – tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho 270 doanh nghiệp Mỹ kinh doanh ở Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo đòn thuế mới của Washington có thể dẫn tới hành động trả đũa từ Bắc Kinh, từ đó khiến doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc đối mặt thêm nhiều bất lợi.
Những lo ngại này đã được cụ thể hóa khi Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 20-5 cho biết sẽ cấm một số công ty Mỹ thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư mới liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để phản ứng lại động thái của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn trong nước.
Theo Giáo sư Donald Low tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Bắc Kinh có thể tăng thuế với hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc, nhưng nếu đó là hàng công nghệ cao thì việc tăng thuế có thể ảnh hưởng tới nỗ lực phát triển công nghệ của nước này. Còn nếu là hàng công nghệ thấp, tác dụng sẽ không quá lớn.
“Một lựa chọn khác là Bắc Kinh có thể tăng trợ cấp với các ngành bị Mỹ áp thuế, nhưng trong điều kiện thực tế là các ngành này đã nhận được trợ cấp rồi, việc trợ cấp nhiều hơn không chỉ gây tốn kém mà còn khiến các quốc gia khác nối gót Mỹ tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc”, Giáo sư Low cảnh báo.
Quan điểm này là hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lo ngại về tình trạng dư thừa công suất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là khi dòng hàng hóa năng lượng xanh của Trung Quốc bị bít cửa vào thị trường Mỹ sẽ có xu hướng dịch chuyển sang châu Âu.
“EU sẽ không thể đứng yên vì đây sẽ là thị trường mục tiêu chính của các sản phẩm Trung Quốc”, Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Natixis cho biết.
Hiện tại, các nước châu Âu nhìn chung vẫn có sự chia rẽ trong việc thực hiện các hành động mạnh tay hơn với doanh nghiệp Trung Quốc, một phần do lo ngại các doanh nghiệp châu Âu đối mặt với biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, thực tế là gần đây EU đã thực hiện các bước đi quyết liệt hơn.
Hồi tháng trước, giới chức châu Âu đã đột kích vào các cơ sở tại Hà Lan và Ba Lan của Nuctech – công ty Trung Quốc chuyên sản xuất các hệ thống máy soi quét để kiểm tra hàng hóa, trong một cuộc điều tra chống trợ cấp. Brussels cũng đã buộc các nhà thầu Trung Quốc phải rút khỏi các hợp đồng về công viên năng lượng mặt trời và đường sắt.
Theo Vietstock