Theo biên bản cuộc họp chính sách mới nhất, các quan chức Fed vẫn lo ngại về tình trạng dai dẳng của lạm phát – một dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể không sớm giảm lãi suất trong năm nay.
Nguy cơ lạm phát vẫn cao
Theo biên bản cuộc họp được công bố ngày 22/5, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang(Fed) đang ngày càng lo ngại hơn về lạm phát và chưa đủ tự tin để tiến tới việc sớm nới lỏng chính sách.
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ từ ngày 30/4-1/5 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – bộ phận ra quyết sách của Fed – cho rằng những tháng gần đây, tiến trình giảm lạm phát đã suy yếu.
Các quan chức Fed chưa tự tin để quyết định bắt đầu nới lỏng chính sách do lo ngại lạm phát vẫn còn dai dẳng. Ảnh: APBiên bản cho biết “một số thành viên dự họp” thậm chí còn cân nhắc về khả năng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát không tiếp tục giảm về mục tiêu 2%. “Tiến trình giảm lạm phát có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu” – biên bản có đoạn viết.
Theo biên bản trên, các quan chức Fed đánh giá rằng việc duy trì phạm vi mục tiêu lãi suất cơ bản ở mức cao nhất 23 năm được hỗ trợ bởi dữ liệu mới nhất chứng tỏ nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Tại cuộc họp đầu tháng này, FOMC đã quyết định giữ lãi suất liên bang ở mức 5,25% -5,5%.
Các quan chức Fed lưu ý, nguy cơ lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới vẫn còn cao do chịu tác động từ các sự kiện địa chính trị trên thế giới.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 cho thấy tỷ lệ lạm phát ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với tháng 3. Mức tăng hàng tháng là 0,3%, thấp hơn một chút so với các dự đoán của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, dữ liệu CPI tháng 4 vẫn đang ở mức cao so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy mối lo ngại về lạm phát ngày càng tăng. Theo kết quả khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan, triển vọng lạm phát trong vòng 1 năm tới ở mức 3,5%, cao nhất kể từ tháng 11/2023. Một cuộc khảo sát của Fed tại New York cũng cho thấy kết quả tương tự.
Các quan chức Fed cũng dự đoán lạm phát cuối cùng sẽ quay trở lại mục tiêu 2% nhưng không chắc chắn điều đó sẽ kéo dài bao lâu và mức độ ảnh hưởng của lãi suất cao đến quá trình này là bao nhiêu.
Trong khi đó, một số quan chức cấp cao của Fed gần đây cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về chính sách tiền tệ.
Thống đốc Fed Christopher Waller đầu tuần này cho biết, mặc dù không kỳ vọng FOMC sẽ phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông Waller cảnh báo rằng sẽ cần xem dữ liệu tốt trong “vài tháng” trước khi bỏ phiếu cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, hôm 21/5 nói rằng Fed cần thận trọng trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách vì việc giảm lãi suất có thể dẫn tới gia tăng nhu cầu tiêu dùng và đẩy lạm phát tăng trở lại.
Thị trường tiếp tục điều chỉnh kỳ vọng về kế hoạch nới lỏng chính sách của Fed trong năm nay. Sau khi biên bản cuộc họp chính sách của Fed được công bố, hợp đồng tương lai về lãi suất cho thấy khoảng 60% khả năng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9.
Trong khi hồi đầu năm nay, các thị trường dự báo Fed sẽ thực hiện khoảng 6 đợt hạ lãi suất với mức 25 điểm cơ bản trong năm nay.
Goldman Sachs (NYSE:GS) dự báo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024
Theo tờ Bloomberg, ông David Solomon – Giám đốc điều hành (CEO) của Goldman Sachs, ngày 22/5 dự báo rằng Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm 2024 khi nền kinh tế dường như vững chắc hơn nhờ các khoản chi tiêu từ Chính phủ.
Ông David Solomon – CEO của Goldman Sachs. Ảnh: Bloomberg“Tôi vẫn không thấy dữ liệu ủng hộ cho kịch bản giảm lãi suất của Fed”, ông Solomon chia sẻ tại một sự kiện ở Trường Boston, đồng thời dự báo không có đợt giảm lãi suất nào trong năm nay.
Theo CEO Goldman Sachs, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ góp phần giúp nền kinh tế vững chắc hơn trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt.
Dù vậy, người tiêu dùng đang bắt đầu cảm nhận thấy tác động từ giá cả leo thang, ông Solomon lưu ý thêm khi nói rằng các báo cáo lợi nhuận gần đây từ McDonald’s Corp. và AutoZone Inc. là bằng chứng cho thấy người tiêu dùng đang giảm chi tiêu.
CEO Solomon nhận định, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng làm tăng nguy cơ tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc so với 6 tháng trước. Lãnh đạo ngân hàng Mỹ cũng đề cập tới sự mong manh về địa chính trị mà theo ông là điều mà mọi người sẽ phải chung sống trong một thời gian dài.
Trước đó, vào tháng 3, ông Solomon đã cảnh báo lạm phát có thể sẽ nghiêm trọng hơn những gì thị trường dự đoán.
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs hồi tháng 4 vừa qua dự báo Fed sẽ chỉ thực hiện 2 đợt cắt giảm trong năm nay, bắt đầu nới lỏng vào tháng 7, sau đó là vào tháng 11. Số đợt hạ lãi suất đã giảm so với dự báo trước đó của họ.
Theo ông Solomon, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay do tình trạng trì trệ và “các vấn đề về cơ cấu nhân khẩu học” trong nền kinh tế.
Theo Người Quan Sát