Giới chức Nhật Bản có thể đã can thiệp thị trường hai lần trong những tuần gần đây để hỗ trợ đồng yen khi đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong vài thập niên qua so với đồng USD, và họ có thể đã sử dụng dự trữ tiền mặt để làm điều đó.
Các nhà chiến lược Shusuke Yamada, Izumi Devalier, Mark Cabana và Meghan Swiber của BofA cho biết trong một báo cáo công bố ngày 14/5 rằng sau khi đã chi hàng chục tỷ USD từ khoản tiền gửi chính thức, nỗ lực tiếp theo để hỗ trợ đồng yen có thể sẽ là yêu cầu Bộ Tài chính Nhật Bản sử dụng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ. Đây là động thái có thể ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu và nợ của Mỹ.
BofA cho biết việc giảm nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể đẩy lãi suất lên một chút và thu hẹp chênh lệch trên lãi suất cho vay qua đêm đảm bảo (SOFR), một lãi suất tham chiếu được gắn với các thỏa thuận mua lại qua đêm.
Ngày 29/4, đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm là 160,17 yen/USD trước khi phục hồi mạnh mẽ trong phiên giao dịch thưa thớt do kỳ nghỉ lễ. Sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ba ngày sau đó, đồng yen bất ngờ tăng hơn 3% vào những giờ cuối của ngày giao dịch tại Mỹ.
Các quan chức Nhật Bản vẫn chưa chính thức xác nhận các hoạt động can thiệp vào thị trường ngoại hối, nhưng theo tính toán của Bloomberg, các tài khoản của ngân hàng trung ương cho thấy khoảng 35 tỷ USD đã được chi trong lần can thiệp đầu tiên và 23 tỷ USD trong lần thứ hai.
Các nhà chiến lược của BofA nhận định cho đến nay, các nhà chức trách Nhật Bản có thể đã sử dụng tiền dự trữ thay vì bán trái phiếu, nên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ đã “ít bị ảnh hưởng” bởi các hoạt động can thiệp được nghi ngờ.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát thị trường, bao gồm cả BofA, dự đoán rằng nguồn cung trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ giảm trong những tháng tới khi Chính phủ Mỹ giảm phát hành.
Theo investing