Theo báo cáo cập nhật của VCBS “Bình luận về biên bản họp FOMC và tác động tới Việt Nam”, mặt bằng lãi suất huy động thấp là nguyên nhân khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực.
VCBS dự báo trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng cao hơn để thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD/VND, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá.
Các chuyên viên phân tích cho rằng bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số Đô la Mỹ (DXY) vẫn duy trì ở mức cao.
Sau cuộc họp tháng 5, Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức 5,25 – 5,5%. Đồng thời, thị trường chuyển kỳ vọng đợt hạ lãi suất đầu tiên xuống cuối năm 2024 đã khiến sức mạnh USD, được đo lường bằng chỉ số DXY tăng cao, tạo ra áp lực tỷ giá với VND (HM:VND) và nhiều loại tiền tệ khác.
Ngoài ra, VCBS cho rằng chênh lệch lãi suất còn được quan sát trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm của USD luôn cao hơn VND. Lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam cũng đã giảm về mặt bằng thấp và nhỏ hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Đồng thời, giá vàng trong giai đoạn này đã tăng mạnh do tâm lý đầu cơ tích trữ và phần nào gây áp lực lên tỷ giá, các chuyên viên phân tích nhận định. Ở chiều tích cực, VCBS cho biết trong những tháng đầu năm, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa được duy trì, mức vốn đăng ký và giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ.
Trước những diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã buộc phải có các biện pháp can thiệp như phát hành tín phiếu, tuyên bố về chủ trương can thiệp, bán ngoại tệ giao ngay, đấu thầu vàng…
Công cụ lãi suất sẽ được sử dụng để ổn định tỷ giá
VCBS cho rằng so với các đồng tiền khác, VND không mất giá quá nhiều. Tuy nhiên mức giảm giá gần 5% đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn. NHNN được kỳ vọng sẽ ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất nhằm đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô. Các động thái sẽ được điều hành theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường.
Các chuyên viên phân tích cho rằng NHNN sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất với ưu tiên sử dụng là công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở. Động thái đầu tiên đã được ghi nhận vào ngày 23/4 khi lãi suất OMO được tăng từ 4% lên 4,25%.
Theo sau đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD/VND, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực. Tuy nhiên mức tăng nếu có sẽ không quá lớn, khoảng 0,5 đến 1 điểm % khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.
VCBS khẳng định ổn định tỷ giá là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế dài hạn, thu hút dòng vốn nước ngoài và đảm bảo khả năng trả nợ.
Cuối năm 2023, vay nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm vay nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp) ước tính đạt khoảng hơn 145 tỷ USD, tương ứng 37-38% GDP . Áp lực tăng lên tỷ giá có thể ảnh hưởng đến giá trị và khả năng vay, trả nợ của quốc gia.
VND có thể mất giá 3% vào cuối năm
Mặc dù tỷ giá biến động mạnh trong những tháng đầu năm, VCBS vẫn kỳ vọng rằng trong điều kiện thế giới không xuất hiện thêm các sự kiện bất ngờ, hay DXY không tăng mạnh, VND có thể không giảm giá thêm nữa trong quý II và quý III.
VCBS dự báo vào thời điểm cuối năm, khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, trong điều kiện thuận lợi là DXY không tăng hoặc hạ nhiệt, cùng việc điều hành linh hoạt của NHNN thì VND có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.
Theo các chuyên viên phân tích, những diễn biến căng thẳng trên thị trường trong giai đoạn này cũng như trước đây có tác động không nhỏ từ tâm lý đầu cơ găm giữ trong ngắn hạn. Việc kiểm soát hạn chế tâm lý đầu cơ góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây là lý do lý giải hiện tượng trong quá khứ sau thời điểm căng thẳng, tỷ giá thường hạ nhiệt khá nhanh. VCBS lấy ví dụ là giai đoạn tháng 9 năm 2023 hay xa hơn tháng 10/2022.
Tuy nhiên, VCBS cũng cảnh báo rằng trước các áp lực thường trực, khả năng VND giảm giá vẫn luôn hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngoại tệ tại từng thời điểm, điều hành của NHNN cũng như sức mạnh USD.
Theo investing