Liệu châu Á có xảy ra khủng hoảng tài chính vào thời gian tới hay không? Bùng nổ cuộc chiến tiền tệ mới tại châu Á?
Khi đồng yên giảm xuống đáy mới, một số nhà đầu tư đã bắt đầu cân nhắc một kịch bản gần như “không thể tưởng tượng” – đó là các nền kinh tế châu Á đồng loạt phá giá tiền tệ và bắt đầu cho một cuộc chiến tiền tệ mới tại khu vực này.
Thị trường nghi ngờ rằng Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp để kéo đồng yên ra khỏi đáy 34 năm so với USD vào tuần trước. Tuy nhiên, nó sẽ khó có tác dụng lâu dài nếu Nhật Bản vẫn cứ tiếp tục “đơn độc” và thậm chí đồng yên có thể tiếp tục suy yếu.
Vào thứ 3, ngày 7/5, quan chức Nhật Bản đã nói rằng nước này có thể phải hành động chống lại bất kỳ động thái “không đúng trật tự” và mang tính đầu cơ nào của thị trường ngoại hối, nhằm hỗ trợ đồng nội tệ đang suy yếu của mình.
Việc đồng yên giảm giá sẽ tăng áp lực cạnh tranh lên những nền kinh tế thiên về xuất khẩu tại châu Á, đặc biệt là các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Về mặt giả thuyết, đà giảm nặng nề của đồng yên có thể là nguyên nhân buộc các nước láng giềng Nhật Bản phải hành động mạnh mẽ, dù cho đến thời điểm hiện tại, những nền kinh tế này vẫn đang nỗ lực củng cố đồng nội tệ thay vì để chúng trượt dốc.
Mặc dù việc cho rằng sẽ có một khủng hoảng tài chính châu Á chỉ là quan điểm thiểu số nhưng nó vẫn thu hút nhiều chú ý bởi viễn cảnh USD tăng cao trong thời gian dài hơn.
Người đứng đầu bộ phận thị trường toàn cầu tại State Street, ông Henry Quek bình luận: “Với thực trạng hiện tại, có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một chuỗi phá giá cạnh tranh nếu đồng yên tiếp tục giảm sâu”.
Hiện tại, các Ngân hàng Trung ương châu Á đều đang đẩy mạnh hỗ trợ đồng nội tệ của mình. Và xét trong khu vực, yên đang là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong khu vực – làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nước quan hệ với Nhật Bản. Điều đó chắc chắn cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề.
Được biế, cuối tháng 4, đồng nội tệ của Nhật Bản đã giảm xuống mức sâu nhất so với nhân dân tệ kể từ năm 1992.
Đẩy những đồng tiền khác đi xuống?
Một số nhà quan sát thị trường còn nhận định rằng đà giảm của đồng yên có thể đẩy những đồng tiền khác tại châu Á đi xuống. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẽ không cho phép đồng yên giảm sâu hơn nữa.
Được biết, sự sụp đổ tiền tệ của châu Á vào cuối những năm 1990 là kết quả trực tiếp của chu kỳ thắt chặt 1994-1995 của Fed, khi các nhà hoạch định chính sách tăng gấp đôi lãi suất ngắn hạn trong 12 tháng. Thái Lan đã phá giá đồng tiền đầu tiên vào tháng 7/1997, sau đó là Indonesia và Hàn Quốc trong thời gian ngắn. Philippines cũng đã đứng trên bờ vực của sự hỗn loạn tài chính. Tình trạng tương tự diễn ra ở Malaysia khi các quan chức phải dùng đến biện pháp kiểm soát vốn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng không quá lo ngại về khả năng châu Á sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính vì hầu hết các nền kinh tế đã được trang bị tốt hơn để tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn vào cuối những năm 1990 đó.
Theo Người Quan Sát