Giới phân tích cảnh báo đồng euro có thể mất giá, kéo tụt kinh tế eurozone nếu châu Âu giảm lãi suất trước Mỹ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tiến gần tới giảm lãi suất trong tháng 6. Các số liệu lạm phát gần đây càng củng cố khả năng này.
Tháng trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde thông báo cơ quan này tính toán hạ lãi trong ngắn hạn. “Chúng tôi cần thêm sự tự tin về quá trình chống lạm phát. Nhưng nếu mọi việc đi đúng hướng và không có thêm cú sốc nào lớn, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng”, bà cho biết.
Ngược lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần trước quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm. Quan chức Fed nhận định quá trình đưa lạm phát về mục tiêu 2% “chưa có thêm tiến triển”. Họ cho biết không kỳ vọng hạ lãi cho đến khi “tự tin hơn” rằng lạm phát dần về mục tiêu. Đây là tuyên bố họ đưa ra nhiều lần sau các phiên họp chính sách tháng 1 và tháng 3.
Diễn biến này khiến ECB gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất trước Fed. “Lúc này, ECB tự tin với sức mạnh của đồng euro. Nhưng nếu họ giảm lãi trước, đồng nghĩa họ đưa ra thông điệp euro cần yếu đi”, Daniel Lacalle – kinh tế trưởng tại hãng quản lý tài sản Tressis Gestion (Tây Ban Nha) cho biết trên CNBC.
Euro suy yếu sẽ làm chi phí nhập khẩu của eurozone tăng vọt. Bên cạnh đó, Lacalle cho rằng việc ECB giảm lãi suất chưa chắc khiến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp Pháp, Đức hay Tây Ban Nha tăng lên.
“Lãi suất giảm nhẹ không phải là động lực cho nhu cầu tín dụng. Doanh nghiệp sẽ tăng vay vốn nếu nhìn thấy cơ hội kinh tế, đầu tư. Những điều này đang bị kìm hãm bởi quy định ngặt nghèo và chính sách năng lượng mơ hồ của eurozone”, ông giải thích.
Dù vậy, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva không mấy bận tâm đến tác động tiêu cực khi chính sách tiền tệ Mỹ, châu Âu có sự khác biệt. “Chúng tôi không quá lo lắng về tác động của tỷ giá”, bà cho biết trên CNBC tuần trước.
Trích phân tích của IMF, Georgieva khẳng định chênh lệch lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) giữa Mỹ và châu Âu có thể khiến tỷ giá biến động 0,1-0,2%. “Với châu Âu, đây không phải là vấn đề lớn”, bà nói.
Số liệu chính thức công bố tuần trước cho thấy lạm phát tháng 4 tại khu vực đồng euro ổn định tại 2,4%. GDP nhóm này tăng trở lại trong quý I, với 0,3%. Tốc độ này cao hơn dự báo của các nhà kinh tế học.
Tuy nhiên, GDP quý IV/2023 được điều chỉnh từ không tăng trưởng thành giảm 0,1%. Điều này đồng nghĩa eurozone rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật trong nửa cuối năm ngoái.
Lacalle nói rằng nhiều người đổ lỗi việc châu Âu tăng lãi suất dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm. Lãi suất tại đây hiện ở mức kỷ lục là 4%.
“Tuy nhiên, hai việc này không liên quan đến nhau”, ông nói, thêm rằng chính sách năng lượng, nông nghiệp cùng các quy định kiểm soát là những yếu tố kéo tụt kinh tế châu Âu.
Ví dụ, tại Đức – nền kinh tế đầu tàu châu Âu, vấn đề chính là các thách thức dài hạn. Đó là quan liêu, thiếu công nhân lành nghề, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng như mạng lưới đường sắt và Internet tốc độ cao, chậm chuyển đổi số trong kinh doanh và hành chính.
Nguồn Vnexpress.net