Bitcoin (BTC) đã phải đối mặt với áp lực bán mạnh mẽ vào ngày 2/4 khi số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy, sản lượng sản xuất công nghiệp ở Mỹ đã tăng trở lại và số lượng đơn hàng mới cũng tăng. Điều này giúp nâng Chỉ số Đô la Mỹ (DXY) lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2023.
Theo TradingView, Bitcoin đã giảm 5% từ 69.450 USD/BTC xuống mức thấp nhất là 65.970 USD trong vòng chưa đầy 30 phút vào đầu ngày 2/4. Các đồng altcoin như Ethereum (ETH), Solana (SOL) và Dogecoin (DOGE) cũng ghi nhận khoản lỗ đáng kể. Đến tối cùng ngày, BTC tiếp tục giảm mạnh về quanh mức 64.682 USD, thổi bay hơn 80 tỷ USD vốn hoá thị trường.
Giới phân tích bình luận, chỉ số DXY theo dõi giá trị của đồng bạc xanh so với các loại tiền tệ chính lần đầu tiên đạt mốc 105 điểm sau 4 tháng, đã khiến các tài sản được định giá bằng USD như Bitcoin và vàng trở nên đắt đỏ, dẫn đến nhu cầu nắm giữ những tài sản này giảm xuống. Đặc biệt, sức mạnh đồng USD được duy trì cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thắt chặt tài chính trên toàn thế giới, làm giảm khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro của giới đầu tư.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ISM công bố ngày 1/4 cho thấy, hoạt động của các nhà máy bất ngờ mở rộng trong tháng 3, PMI đã tăng 2,5 điểm lên 50,3 vào tháng trước sau mức 47,8 điểm của tháng 2. Con số giúp ngăn chặn 16 tháng suy thoái liên tiếp và làm suy yếu khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Bloomberg, thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ rút lại dự báo về ba đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm 2024 sau báo cáo này. Xác suất Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 cũng đã giảm xuống dưới 50%.
Các nhà phân tích tại ING cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng ngày 1/4 rằng: “Các thị trường đang tập trung vào báo cáo của ISM, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản nhờ sự trở lại của tăng trưởng sản xuất và chỉ số lạm phát cao hơn. Có khoảng 20 bài phát biểu từ các quan chức Fed trong tuần này và thị trường có thể đang nghĩ, kết quả ngày hôm nay sẽ khiến các quan chức cảnh giác với việc cam kết nới lỏng chính sách…”
Ngược lại, một số chuyên gia lại có quan điểm trái chiều đó là khoản nợ tài chính ngày càng phình to cuối cùng sẽ buộc Fed phải cắt giảm lãi suất nhanh chóng và mang lại động lực tăng giá lớn cho tiền điện tử. Fed đã tăng lãi suất từ 0% lên 5,5% trong 16 tháng (đến tháng 7/2023) để kiềm chế lạm phát. Động thái thắt chặt chính sách thời điểm đó là một phần nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm 80% giá trị Bitcoin vào năm 2022.
Trên thị trường, cú giảm giá “sốc” của Bitcoin đã khiến hơn 165 triệu USD tài sản ở các vị trí đòn bẩy bị xóa sổ (theo dữ liệu từ Coinglass). Cụ thể, hơn 50 triệu USD vị thế mua Bitcoin, hơn 40 triệu USD vị thế mua ETH, cùng khoảng 6 triệu USD vị thế mua Dogecoin (DOGE) và 4 triệu USD ở vị thế mua đối với đồng SOL đều bị thanh lý.
Cùng thời điểm, các quỹ ETF Bitcoin cũng công bố dòng vốn vào chỉ đạt 86 triệu USD, phá vỡ chuỗi dòng vốn vào tích cực kéo dài 4 ngày. Trong đó, quỹ ETF của BlackRock có hoạt động tốt nhất với dòng vốn vào đạt 165,9 triệu USD, quỹ Fidelity đứng thứ hai với 44 triệu USD. Tuy nhiên, dòng tiền vào đã bị đè nặng bởi GBTC của Grayscale có dòng tiền chảy ra tương đương 302 triệu USD, đẩy dòng tiền ra hàng ngày của tất cả các quỹ lên 85,7 triệu USD.
Chuyên gia tại Coindesk dự báo, trong những ngày tới, Bitcoin có thể tiếp tục biến động khi một số báo cáo việc làm của Mỹ được công bố, bao gồm số liệu bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, việc giảm một nửa phần thưởng khai thác (halving) 4 năm một lần của chuỗi khối Bitcoin sẽ diễn ra vào cuối tháng này cũng sẽ tác động đáng kể đến đà tăng giảm của thị trường.
Theo investing