Một loạt các công ty Nhật Bản, bao gồm Honda, Nippon Steel và ANA Holding, đã đồng ý tăng lương cho người lao động ở mức mạnh nhất trong hơn ba thập kỷ. Động thái này càng củng cố cho xu hướng lạm phát và tăng cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (NHTW) bắt đầu tăng lãi suất.
Bị ảnh hưởng nặng nề vì chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng, các liên đoàn lao động đã đàm phán về việc tăng lương mạnh hơn mức tăng của lạm phát. Động thái này đánh dấu một cột mốc quan trọng ở quốc gia nơi mà tiền lương thực tế bị trì trệ kể từ cuối thập niên 1990.
Khi các cuộc đàm phán lương mùa xuân (còn gọi là shunto) kết thúc vào ngày 13/03, giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng các công ty lớn sẽ tăng lương bình quân cho công nhân thuộc liên đoàn của họ là 4%, cao hơn mức 3.6% của năm ngoái. Đây sẽ là mức tăng lương lớn nhất kể từ năm 1992.
Trong ngày 13/03, Toyota cho biết họ đã hoàn toàn chấp nhận yêu cầu của liên đoàn lao động về việc tăng lương hàng tháng lên tới 28,440 Yên (193 USD). Đây là mức lớn nhất kể từ năm 1999.
“Chúng tôi muốn bù đắp tác động từ lạm phát”, Giám đốc nhân sự Takanori Azuma của Toyota, cho biết. Ông đồng thời cho biết mức tăng lương hàng tháng và các khoản tiền thưởng đang cao kỷ lục.
Còn Nippon Steel đã đồng ý nâng lương cơ bản 11.8%, vượt quá yêu cầu của liên đoàn và là mức tăng lương hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1979. Còn ANA Holding tăng lương 5.6%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1991. Tương tự, Honda đã đồng ý tăng lương hàng năm 5.6%, cao nhất kể từ năm 1989.
NEC đã cho phép tăng lương cơ bản 4.3%, mức cao nhất kể từ năm 1998. Còn Mitsubishi Heavy Industries đồng ý tăng lương kỷ lục 8.3%, bao gồm lương cơ bản và lương theo thâm niên.
Trong năm nay, giới đầu tư theo dõi sát các cuộc đàm phán về lương, vì tăng trưởng tiền lương là yếu tố quan trọng để NHTW quyết định đảo chiều chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình. Mặc cho những dữ liệu kinh tế yếu gần đây, các nhà phân tích cho biết kết quả đàm phán lương sẽ cho phép NHTW chấm dứt chính sách lãi suất âm ngay trong tuần tới hoặc tháng 4.
Trong năm nay, lương của người lao động cũng tăng mạnh trước áp lực từ đà tăng của giá cả vì cuộc chiến Nga-Ukraine và cũng vì áp lực từ phía Chính phủ. Tuy vậy, các liên đoàn đã không đảm bảo việc tăng lương đủ để bù đắp cho lạm phát gia tăng. Trong khi đó, lợi ích không được chia đều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động của Nhật Bản.
“Thật khó để yêu cầu mức lương cao hơn khi giá cả không tăng. Chúng ta cần chấm dứt tình trạng trì trệ tiền lương kéo dài 30 năm”, Akihiko Matsuura, Chủ tịch UA Zensen, chia sẻ. UA Zensen là một trong những liên đoàn lớn nhất đất nước với hơn 1.8 triệu thành viên trong các lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm, hóa chất và các lĩnh vực khác.
Liên đoàn, đại diện chủ yếu cho người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã kêu gọi tăng tổng lương 6%, bao gồm 4% lương cơ bản. Trước ngày 13/03, nhà bán lẻ Aeon đã đồng ý tăng lương theo giờ lên trung bình 7% cho khoảng 400,000 nhân viên bán thời gian của mình. Đây là một dấu hiệu cho thấy việc tăng lương đang lan rộng ra toàn xã hội.
Ông Matsuura cho biết: “Thử thách lớn hơn là vào năm tới, liệu các công ty có đáp ứng đầy đủ yêu cầu của liên đoàn, ngay cả khi giá cả không tăng nhiều hay không”. Năm ngoái, lạm phát ở mức 3.2% nhưng đã giảm xuống còn 2.2% trong tháng 1 năm nay, do chi phí năng lượng nhập khẩu giảm.
Nhưng ngay cả khi áp lực lạm phát giảm, các công ty vẫn có khả năng phải đối mặt với nhu cầu tăng lương, vì họ phải vật lộn để tìm kiếm những người lao động trẻ. Công nhân Nhật Bản hiếm khi xuống đường đòi tăng lương hoặc điều kiện làm việc tốt hơn. Nhưng một số cuộc đình công đã xảy ra trong năm nay, do các công ty không đáp ứng được yêu cầu của liên đoàn.
“Tình trạng thiếu lao động sẽ không bao giờ được giải quyết. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mà những người quản lý công ty nếu không thể tăng lương sẽ bị loại khỏi thị trường”, Katsuhiro Yasukochi, chủ tịch Hiệp hội Công nhân Kim loại, Máy móc và Sản xuất Nhật Bản, cho biết.
Theo Vietstock