Vắng bóng nhà đầu tư cá nhân, thị trường hiện tại là cuộc chơi của các “cá mập” khi dòng tiền bị chi phối lớn từ các quỹ ETF Bitcoin.
Bitcoin vừa đạt mức cao kỷ lục. Nhưng theo New York Times, có sự khác biệt lớn giữa cơn “sóng” hiện tại so với thời kỳ bùng nổ hồi năm 2021 khi tài sản kỹ thuật số trở thành một hiện tượng văn hóa.
Khi tiền số bùng nổ vào năm 2021, sự gia tăng của được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư cá nhân thông thường. Họ bị giam chân giữa bốn bức tường trong thời kỳ đại dịch. Các hoạt động kiếm tiền thường nhật bị hạn chế, nhiều người chuyển sang đầu tư tài chính và các kênh rót tiền trực tuyến, không cần sự hiện diện vật lý, vừa phù hợp với bối cảnh giãn cách xã hội, vừa mở ra cho họ một sở thích mới.
Không chỉ Bitcoin, nhà đầu tư còn “cuồng” meme coin – tiền số lấy cảm hứng từ các trò đùa trực tuyến. Nhiều người lưu trữ tiền tiết kiệm kỹ thuật số của họ trong các ngân hàng tiền số mới với mô hình kinh doanh sơ sài. Mã thông báo không thể thay thế, các tác phẩm sưu tầm kỹ thuật số, được gọi là NFT, cũng tăng giá. Tóm lại, thời điểm đó, gần như toàn bộ thị trường đều lên giá, cơn “sốt” tỏa khắp nơi.
Trong khi ở lần này, Bitcoin trở thành người cằm trịch gần như độc tôn. Các token khác cũng tăng giá, nhưng không đạt được mức đỉnh trước đó. Vài ngày qua, các meme coin nóng lên nhưng không giữ nhiệt lâu, đã nhanh chóng đổ đèo. Chỉ tính riêng phiên 6/3, các đồng tiền số phổ biến trong nhóm này như Bonk và PEPE mất gần 30% giá trị trong 24 giờ qua, trong khi Dogecoin, Shiba Inu mất hơn 28%.
Sự khác biệt quan trọng nhất là cơn “sóng” lần này nhận được sự hậu thuẫn từ các tổ chức tài chính lớn. Nhóm “cá mập” này có BlackRock và Fidelity – hai trong số những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Cả hai đều cung cấp quỹ ETF Bitcoin giao ngay và hiện đang nắm giữ hơn 196.000 đơn vị.
Michael Anderson – nhà sáng lập công ty đầu tư tiền số Framework Ventures nhận xét: “Lần này chắc chắn rất khác biệt so với năm 2021. Có thể đây sẽ là một chu kỳ được dẫn dắt bởi các tổ chức tài chính”.
New York Times cho rằng các quỹ ETF Bitcoin là bước ngoặt lớn với ngành công nghiệp tiền số, mở đường cho các công ty tài chính cung cấp các sản phẩm đầu tư mới gắn liền với giá Bitcoin mà không cần sở hữu chúng trực tiếp.
Về bản chất, ETF là một rổ tài sản được chia thành “cổ phiếu”. Các nhà đầu tư mua “cổ phiếu” thay vì mua tài sản. Sự ra đời của ETF Bitcoin đồng nghĩa các nhà đầu tư thận trọng có thể nhúng chân vào thị trường tiền số mà không phải lo lắng về việc lập ví lưu trữ hoặc giao phó khoản tiết kiệm cho một công ty khởi nghiệp nghe có vẻ đáng ngờ.
Tác động của quỹ ETF Bitcoin có thể nhìn thấy ngay lập tức. Kể từ khi tung ra thị trường vào tháng 1, hơn 7,5 tỷ USD vốn đầu tư đã đổ vào chúng, đẩy giá Bitcoin tăng lên.
CoinDesk dẫn lời Seth Ginns – người đứng đầu bộ phận đầu tư tại một công ty đầu tư tiền số CoinFund nêu quan điểm: “Mức giá cao nhất mọi thời đại vẫn sẽ xảy ra nếu không có ETF, nhưng có thể thấy các quỹ này đã đẩy nhanh chu kỳ tăng giá cho Bitcoin hơn”.
Nate Geraci – chủ tịch của đơn vị tư vấn tài chính ETF Store, cho rằng sự tiện lợi của các quỹ ETF đến từ các tổ chức tài chính lớn đã mở ra nguồn nhu cầu mới và đáng kể. Không chỉ là cuộc chơi của các nhà đầu tư cá nhân, thị trường giờ còn có sự tham gia của các cố vấn và nhà đầu tư tổ chức.
“Mặc dù có nhiều yếu tố đẩy giá Bitcoin nhưng không nghi ngờ gì nữa, các quỹ ETF đang đóng vai trò chính”, chuyên gia này nói.
Những người ủng hộ tiền số tin rằng sự tăng vọt của Bitcoin hai hôm nay chỉ là khởi đầu. Họ tin giá thị trường của đồng tiền này có thể đạt 100.000 USD. Ngay cả khi đó, không đồng nghĩa toàn bộ ngành công nghiệp này sẽ phát triển suôn sẻ.
Các cơ quan quản lý ít nhiều đã chấp nhận thực tế rằng mọi người giao dịch Bitcoin. Nhưng nhìn chung họ vẫn có thái độ thù địch với các loại tiền kỹ thuật số khác và các nền tảng cung cấp chúng.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã đệ đơn kiện Coinbase – sàn giao dịch lớn nhất của Mỹ, cùng một số công ty lớn khác. Kết quả của những vụ kiện đó được xem là căn cứ xác định liệu tiền số có thể tiếp tục phát triển ở Mỹ hay không. John Todaro – nhà phân tích tại Needham cho biết: “Ngành công nghiệp này di chuyển theo chu kỳ. Tôi không biết liệu nó có trở lại ‘mùa đông’ như năm 2021 hay không”.
Nguồn Vnexpress.net