Lạm phát tàn phá nền kinh tế châu Âu đã giảm trở lại vào tháng 2 nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Theo số liệu mới được Cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh Châu Âu (EU) công bố, trong tháng 2 mức lạm phát của 20 quốc gia sử dụng đồng euro là 2,6% so với mức 2,8% của tháng 1.
Lạm phát hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022, sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và khiến giá năng lượng tăng vọt.
Nhưng cần có thời gian để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đặt ra.
Theo Fortune, lạm phát lương thực giảm xuống 4% từ mức 5,6% trong khi giá năng lượng tụt 3,7%, mang lại cuộc sống “dễ thở” hơn cho những người có thu nhập thấp.
Một dấu hiệu quan trọng cho thấy lạm phát đang giảm dần là lạm phát lõi (không bao gồm những biến động về giá lương thực và nhiên liệu).
Chỉ số này, được ECB theo dõi chặt chẽ như một thước đo lạm phát cơ bản trong nền kinh tế, đang ở mức 3,1%. Nó giảm từ mức 3,3% trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Việc Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu đã đẩy giá năng lượng tăng vọt và sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch cũng dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nguồn cung linh kiện và nguyên liệu thô.
Thêm vào đó, sức mua yếu khiến nền kinh tế chậm lại và các thỏa thuận thu nhập mới cho thấy nhiều người lao động vẫn chưa thể bắt kịp thị trường.
Nhưng ở hiện tại, lạm phát giảm giúp ECB tiến gần hơn đến việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%, tỷ lệ được coi là tốt nhất cho nền kinh tế. ECB đã nhanh chóng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục 4% trong tháng 9 năm ngoái.
Cụ thể, lãi suất giúp kiềm chế lạm phát bằng cách khiến việc mua hàng bằng tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm nhu cầu về hàng hóa và gây áp lực lên giá cả.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng cao cũng có thể kìm hãm đà tăng trưởng ở châu Âu. Khu vực đồng euro không ghi nhận mức tăng trưởng mới nào trong 3 tháng cuối năm ngoái, sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó.
Những lo ngại về tăng trưởng và lạm phát đã chuyển trọng tâm sang thời điểm ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất. ECB sẽ họp vào ngày 7/3 tới nhưng dự kiến vẫn chưa thay đổi lãi suất.
Carsten Brzeski, trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING Bank tiết lộ, hội đồng và Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ chờ thêm dữ liệu về thu nhập và giá cả để đảm bảo lạm phát được kiểm soát trước khi hạ lãi suất vào tháng 6.
Theo Người Quan Sát