Tỷ giá USD tại ngân hàng sắp phá đỉnh lịch sử
Tỷ giá USD tại ngân hàng bắt đầu nổi sóng lớn sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tính chung trong hơn 2 tuần qua tỷ giá USD tại ngân hàng đã tăng 350 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán. Với mức này, giá USD tại ngân hàng còn cách 212 đồng/USD ở chiều mua và 22 đồng/USD ở chiều bán so với mức đỉnh lịch sử lập được hồi năm 2022.
Giá USD ngân hàng sắp phá đỉnh
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index giảm 1 điểm sau hơn 2 tuần qua, về còn 103.96 điểm.
Giá USD trên thị trường quốc tế suy giảm do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc hạ lãi suất.
Cụ thể, theo biên bản họp tháng 1/2024, các thành viên của Fed muốn thấy thêm bằng chứng lạm phát đang hạ nhiệt về mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi hạ lãi suất. Một số quan chức lo ngại tiến triển về lạm phát có thể chững lại. Nhìn chung, biên bản họp lần này củng cố cho kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong tương lai gần.
Dữ liệu gần đây cũng cho thấy giá tiêu dùng và sản xuất tại Mỹ cao hơn dự báo cũng làm tiêu tan những đồn đoán về việc hạ lãi suất sớm.
Trái với diễn biến của USD-Index, sáng ngày 26/02, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 48 đồng/USD sau 2 tuần, lên mức 24,004 đồng/USD. Như vậy, tỷ giá trung tâm quay lại ngưỡng 24,000 đồng, sau gần 1 tháng rời khỏi mức này.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23,400 đồng/USD. Trong khi đó, nhà điều hành tăng giá bán giao ngay thêm 48 đồng/USD so với ngày 12/02, lên mức 25,154 đồng/USD.
Trong khi đó, trong hơn 2 tuần qua, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank (HM:VCB) đã tăng đến 350 đồng/USD ở cả 2 chiều, lên mức 24,480 đồng/USD (mua vào) và 24,850 đồng/USD (bán ra).
Hồi giữa tháng 10/2022, tỷ giá USD tại Vietcombank lập đỉnh ở mức 24,692 đồng/USD (mua vào) và 24,872 đồng/USD (bán ra). Đây cũng là giá USD cao nhất mà Vietcombank niêm yết kể từ năm 2000 đến nay.
Như vậy, hiện giá USD ngân hàng còn cách 212 đồng/USD ở chiều mua và 22 đồng/USD ở chiều bán so với mức đỉnh lịch sử.
Tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc tỷ giá tăng cao thời gian sau Tết Nguyên đán không phải là điều lạ và được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân.
“Thứ nhất, nguyên nhân tác động đến tỷ giá luôn luôn là vấn đề xuất nhập khẩu. Nếu như nhập khẩu nhiều, thì nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu tăng lên, từ đó tỷ giá VND (HM:VND)/USD cũng tăng theo.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tình hình nhập khẩu trong tháng 1/2024 tăng lên, việc này cũng làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, từ đó đẩy tỷ giá tăng.
Thứ hai, yếu tố đầu cơ cũng góp phần vào việc tăng tỷ giá. Khi những nhà đầu cơ này thấy tỷ giá có xu hướng tăng, họ sẽ tìm cách mua ngoại tệ. Nhất là trên thị trường tự do, đây là yếu tố luôn thường trực.
Thứ ba, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ chưa cho biết khi nào sẽ giảm lãi suất, từ đó làm tăng giá trị đồng USD. Hiện chỉ số USD-Index đang ở 103.97 điểm (sáng 26/02/2024) vẫn giữ ở mức cao, làm tăng giá trị đồng USD, từ đó đẩy tỷ giá tăng theo.
Nếu như tỷ giá tăng 3% trong cả năm là mức có thể chấp nhận được, còn trên 3% thì nhà đầu tư cần chú ý. Khi tỷ giá tăng như thế thì giá trị đầu tư cũng như lợi nhuận có thể rút về sẽ bị giảm đi. Bởi vì khi giá trị đầu tư đổi ra tiền USD sẽ nhận về ít hơn.”, vị chuyên gia lý giải.
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, nếu tăng thì sẽ tăng khoảng 3%. Trong nửa sau của năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. Bởi vì nếu như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất thì giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong nửa sau năm 2024, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và quân bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay.
Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu, và diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,…
Theo Vietstock