Giới chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ lạc quan về nâng lãi suất, ngày càng trở nên tự tin hơn rằng nền kinh tế đã đủ khoẻ để cơ quan này có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới.
Cùng với đó, khả năng doanh nghiệp Nhật Bản năm nay tăng lương mạnh hơn so với năm ngoái cũng củng cố khả năng BOJ sớm đưa lãi suất lên ngưỡng dương.
Theo tờ Financial Times, BOJ đã lạc quan hơn về triển vọng lạm phát do xung lực tăng lương và tăng giá dịch vụ đều gia tăng. Điều này củng cố niềm tin rằng BOJ có thể chấm dứt lãi suất âm – một trụ cột của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà Nhật Bản đã theo đuổi từ năm 2016 – sớm nhất vào tháng 3 năm nay.
NHỮNG TÍN HIỆU DỊCH CHUYỂN KHIẾN BOJ LẠC QUAN VỀ NÂNG LÃI SUẤT
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 1, BOJ giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm ở mức âm 0,1% – một quyết định không nằm ngoài dự báo. Sau cuộc họp đó, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda hầu như không đưa ra tín hiệu nào về việc đến thời điểm nào BOJ sẽ có đợt tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Tuy nhiên, một thay đổi nhỏ nhưng quan trọng đã xuất hiện trong báo cáo triển vọng kinh tế hàng quý mà BOJ đưa ra cùng với tuyên bố lãi suất sau cuộc họp nói trên. Trong tuyên bố này, BOJ bổ sung một cụm từ mới – rằng “khả năng” đạt mục tiêu lạm phát 2% “đang tiếp tục tăng dần”. Sự xuất hiện của đánh giá này là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy tiến trình bình thường hoá chính sách của BOJ sắp bắt đầu.
Một quan chức BOJ nói với Financial Times rằng cụm từ trên nhằm mục đích truyền đạt ý định của BOJ tới thị trường tài chính và làm rõ rằng triển vọng nền kinh tế đang mạnh lên. “Chúng tôi không thể nói khi nào, nhưng nền kinh tế đang đi vững và đúng hướng để mở đường cho thay đổi chính sách tiền tệ”, vị này nói.
Tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của BOJ, Thống đốc Ueda cũng nói rõ rằng một quyết định chấm dứt lãi suất âm không nhất thiết sẽ mở đường cho một chu kỳ tăng lãi suất. “Môi trường tài chính siêu nới lỏng vẫn sẽ duy trì một thời gian”, ông nói.
Những tín hiệu trên từ BOJ đi kèm với tuyên bố rằng cơ quan này cần đánh giá thêm dữ liệu về giá cả và tiền lương. Tuy nhiên, giới chức BOJ cũng nhấn mạnh quan điểm chính sách tiền tệ đã trở nên cứng rắn hơn của họ trong các cuộc trao đổi với các nhà tham gia thị trường tài chính.
“Việc BOJ bổ sung cụm từ mới vào trang đầu của báo cáo triển vọng kinh tế là một thông điệp rõ ràng rằng lãi suất sẽ sớm thay đổi”, nhà kinh tế Masamichi Adachi của ngân hàng UBS nhận định, không loại trừ khả năng BOJ sẽ có hành động vào tháng 3 dù kịch bản chính của chuyên gia này vẫn là BOJ sẽ kết thúc chính sách lãi suất âm vào tháng 4.
Các ngân hàng Morgan Stanley MUFG và BNP Paribas dự báo BOJ sẽ nâng lãi suất vào tháng 3.
RỦI RO NẾU BOJ ĐỢI QUÁ LÂU TRƯỚC KHI NÂNG LÃI SUẤT
Cuộc đàm phán tiền lương hàng năm giữa các nghiệp đoàn Nhật Bản với giới chủ sử dụng lao động nước này đã bắt đầu. Theo dữ liệu ban đầu, cuộc đàm phán năm nay có thể đi đến kết quả là mức tăng lương vượt cả mức tăng kỷ lục vào năm ngoái và cao hơn lạm phát. Đó sẽ là một tin tốt đối với các hộ gia đình Nhật Bản đang đương đầu với sự gia tăng của sinh hoạt phí.
Rengo – liên minh công đoàn lớn nhất Nhật Bản – muốn mức tăng lương ít nhất 5%, trong khi một tổ chức nghiệp đoàn khác là UA Zensen muốn mức tăng 6%. Trong một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) thực hiện, mức tăng lương mà cuộc đàm phán năm nay đạt được sẽ là 3,85%.
Kể từ sau cuộc họp tháng 1 của BOJ, đồng yên Nhật đã tăng giá khoảng 1% so với đồng USD, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng lên mức 0,7% từ 0,6% trước cuộc họp. Những diễn biến này phù hợp với quan điểm rằng Nhật Bản có thể sớm dịch chuyển khỏi chính sách lãi suất âm.
Biên bản cuộc họp vừa rồi của BOJ cũng phản ánh niềm tin gia tăng của các thành viên hội đồng thống đốc BOJ rằng điều kiện kinh tế sẽ hỗ trợ việc tăng lãi suất.
“Có vẻ như điều kiện để thay đổi chính sách, bao gồm chấm dứt lãi suất âm, đã xuất hiện”, một thành viên – theo biên bản công bố hôm 31/1. Một thành viên khác đề cập đến sự cần thiết “phải bắt đầu thảo luận về rút khỏi chính sách tiền tệ hiện tại, vì triển vọng đạt mục tiêu đã trở nên hiện thực hơn”. Một thành viên khác gọi giai đoạn hiện nay là một “cơ hội vàng”, đồng thời cảnh báo rằng sự dịch chuyển chính sách sắp tới của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới có thể khiến BOJ mất đi khả năng linh hoạt trong điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
Lạm phát giảm trên toàn cầu đang làm dấy lên hy vọng rằng các ngân hàng trung ương lớn gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Dù BOJ thể hiện quan điểm lạc quan hơn về nền kinh tế, nhà kinh tế cấp cao Stefan Angrick của công ty phân tích Moody’s Analytics cho rằng các dữ liệu kinh tế mới nhất chưa chắc ủng hộ quan điểm đó của BOJ, vì mức tiêu dùng của người Nhật hiện chỉ bằng mức hồi năm 2021.
“BOJ đang cố gắng dọn đường cho bước đi tiếp theo, nhưng nếu họ đợi quá lâu, dữ liệu kinh tế sẽ tiếp tục suy yếu và họ sẽ chẳng còn căn cứ để bình thường hoá chính sách tiền tệ”, ông Angrick nhận định.
Theo Vneconomy