Kỳ vọng cho chứng khoán Việt Nam nhìn từ điểm nhấn vĩ mô
Nhận định triển vọng và nhìn thẳng vào các vấn đề cần thận trọng là những thông tin được các nhà quản lý quỹ, chuyên gia phân tích hàng đầu bàn luận trong khuôn khổ hội thảo Vietnam C-Suite Forum 2024 ngày 24/1 tại Hà Nội.
Kỳ vọng đầu tư công
Tại sự kiện, đại diện các quỹ đầu tư lớn đồng thuận nhấn mạnh về đóng góp của đầu tư côngtrong câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến cuối tháng 12/2023, đã giải ngân được gần 74% kế hoạch đầu tư công, cải thiện so với tỷ lệ 67% năm trước đó và con số này hoàn toàn có thể cao hơn khi tính cả phần giải ngân trong tháng 1/2024. Đây là kết quả khả quan bởi kế hoạch năm 2023 được nâng cao hơn 25% so với cùng kỳ.
Dưới góc nhìn từ các chuyên gia, nỗ lực giải ngân ấn tượng này cho thấy rằng Chính phủ đang thực sự thúc đẩy chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế. Những công trình trọng điểm như dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành được khởi công đồng loạt năm qua là những minh chứng cụ thể.
Sang tới năm 2024, những dự án được kỳ vọng như cảng nước sâu khu vực phía Bắc, đường vành đai 4 của TP HCM hay lô B Ô Môn trong lĩnh vực dầu khí…. kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho những doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, vốn chịu tác động lớn khi thị trường bất động sản đóng băng.
Việt Nam cũng cần tới 25 – 26 tỷ USD mỗi năm cho kế hoạch chuyển đổi nguồn năng lượng, đầu tư hệ thống điện những năm tới. Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ tập trung vào kế hoạch hành động để triển khai từ phía Chính phủ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đầu – Kinh tế trưởng SSI, ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ tại sự kiện.
Bàn về những yếu tố tạo bước ngoặt trên đồ thị tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đầu tư công được các chuyên gia công nhận sẽ là động lực trung dài hạn, không chỉ riêng trong năm 2024. Hoạt động này vừa tăng lực cầu của nền kinh tế, vừa hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển các lĩnh vực khác như logistics, công nghiệp, dầu khí…, tạo điểm nhấn để thu hút vốn FDI.
“Chìa khóa” giảm lãi suất
Nhắc tới lãi suất, công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm qua cũng được các chuyên gia tại Hội thảo đánh giá là nhanh và quyết đoán. Khi lãi suất huy động thấp kỷ lục như hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, dần thẩm thấu vào nền kinh tế và doanh nghiệp. Những kết quả tích cực được cho là sẽ rõ ràng hơn trong 3 – 6 tháng tới.
Lãi suất thấp cũng là một yếu tố then chốt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản khi trái phiếu của nhóm này từ chỗ rơi vào khủng hoảng đã có thể “hạ cánh mềm”. Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên dù được dự báo khó có thể hồi phục ngay trong ngắn hạn theo mô hình “chữ V”. Khi “mây đen” dần qua đi, bất động sản sẽ tác động đáng kể đến sức tăng trưởng của nền kinh tế sắp tới.
Song, câu chuyện lãi suất thấp hiện vẫn chưa thể giúp cải thiện việc sức mua còn yếu. Cầu yếu hiện đang là xu hướng chung toàn cầu, không chỉ đối với riêng Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng trong nước được dự báo quay trở lại trong năm 2024 khi đà phục hồi của nền kinh tế rở nên rõ nét hơn, câu chuyện đầu tư công, môi trường lãi suất thấp dần phản ánh vào sức khỏe của nền kinh tế, doanh nghiệp.
Một tín hiệu dự báo doanh số bán lẻ đi lên là những nhà máy bắt đầu có đơn hàng trở lại, việc làm được tạo ra, người tiêu dùng trong nước tự tin hơn. Trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài còn nhiều khó khăn, thì các yếu tố nội tại của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc củng cố đà hồi phục trong năm 2024
Trên góc độ quan sát khác, sản lượng tiêu thụ điện ghi nhận cao hơn trong những tháng cuối năm 2023 sau khi có những diễn biến thiếu tích cực trong nửa đầu năm. Đây là cơ sở vững chắc để củng cố luân điểm hoạt động sản xuất trong nước đang tích cực trở lại.
Hoạt động xuất khẩu là động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế
Với bức tranh vĩ mô tạm coi là sáng của Việt Nam, các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường trong nước để vượt qua những thách thức đến từ việc suy giảm sức mua trên toàn cầu. Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, hoạt động xuất khẩu sẽ đóng vai trò trọng yếu.
Mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam là điện thoại, đồ điện tử đã trải qua chu kỳ giảm hàng tồn kho trong năm 2022 – 2023, hiện quay về mức tương đương trước đại dịch COVID-19. Qua theo dõi, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ đang dần cải thiện trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, lĩnh vực khác, đơn cử như dệt may còn đối mặt nhiều thách thức.
Tuy nhiên, thế khó có thể được hóa giải nhờ cơ hội từ loạt hiệp định FTA đã ký trước đó và mối quan hệ đối tác toàn diện với những nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới được thiết lập. Công tác ngoại giao của Việt Nam được đánh giá thành công trong năm 2023, mở ra cơ hội tham gia sâu hơn vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyên gia dự báo xuất khẩu sẽ có thể tăng trưởng ở mức hai con số trong năm nay.
Bên cạnh các yếu tố mang tính tích cực, các chuyên gia cùng đồng thuận rằng triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam không hoàn toàn là màu hồng. Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn cần thận trọng với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, vấn đề tỷ giá khi FED cắt giảm lãi suất chậm hơn kỳ vọng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại hay những diễn biến bất lợi từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Nhìn tổng thể, giới phân tích đang có tâm lý lạc quan về triển vọng của vĩ mô Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới. Đây chính là cơ sở để nhà đầu tư đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nền tảng vĩ mô vững chắc, sức khỏe tài chính doanh nghiệp tốt tạo mức định giá hợp lý, từ đó sẽ thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp.
Dòng tiền trong nước được nhận định sẽ tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán khi lãi suất đang ở vùng thấp như đã đề cập trên. Đặc biệt hơn, trong kịch bản tích cực, những tia sáng từ thị trường bất động sản sẽ lan tỏa tâm lý lạc quan sang kênh đầu tư chứng khoán. Tổng hòa lại, thị trường chứng khoán đang thiên về gam màu sáng khi nhìn từ những yếu tố vĩ mô.
Theo Vietstock