Báo cáo kinh tế tuần này có thể thay đổi kỳ vọng lãi suất Fed

Hai báo cáo kinh tế tuần này của Mỹ được công bố, có khả năng định hình lại các kỳ vọng về lãi suất suất Fed trên thị trường tài chính, cũng như giữ vai trò là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đưa ra quyết sách trong thời gian tới.

Những ngày gần đây, thị trường tài chính đã giảm bớt kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất. Đối với hướng đi của cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ, biến động kỳ vọng lãi suất là một yếu tố có ảnh hưởng tất lớn.

Tuần này sẽ có hai báo cáo kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, có khả năng định hình lại các kỳ vọng về lãi suất suất Fed trên thị trường tài chính, cũng như giữ vai trò là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đưa ra quyết sách trong thời gian tới.

Báo cáo kinh tế tuần này

BÁO CÁO KINH TẾ TUẦN NÀY CHO “ẨN SỐ” CPI VÀ PCE

Vào ngày thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo sơ bộ tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2023. Trong một cuộc kháo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế học dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,7% trong quý vừa qua, mức tăng thấp nhất kể từ sau cú giảm 0,6% ghi nhận vào quý 2/2022.

Tiếp đó vào ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 12. PCE là một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. Cũng theo khảo sát của Dow Jones, giới chuyên gia dự báo PCE lõi – chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – tăng 0,2% trong tháng 12 so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu có sự chênh lệch lớn so với kỳ vọng, hai báo cáo trên có thể gây biến động lớn trên thị trường tài chính trong tuần này, đặc biệt là dữ liệu lạm phát. Sau khi lập đỉnh của hơn 4 thập kỷ vào mùa hè năm 2022, lạm phát ở Mỹ đã xuống thang và duy trì xu hướng này trong những tháng gần đây, nhưng chưa về được mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC vào hôm thứ Sáu vừa rồi, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee nói rằng báo cáo GDP và PCE sắp công bố “là những thứ mà mọi người nên theo dõi để xác định đường đi lãi suất của Fed”.

“Không phải là các cuộc họp kín hay các quyết định bí mật, mà chính các số liệu kinh tế mới là yếu tố quyết định việc chúng tôi có thể giảm bớt sự thắt chặt hay không. Chúng tôi cần có những bằng chứng rằng lạm phát đang giảm thực sự về mục tiêu”, ông Goolsbee nói.

Dữ liệu mới nhất từ nhà vận hành sàn giao dịch CME Group cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng chỉ khoảng 47% Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3, giảm mạnh từ mức 81% cách đây 1 tuần. Về cuộc họp vào ngày 30-31/1 của Fed, thị trường gần như tin chắc sẽ không có một động thái chính sách nào được đưa ra.

Ngoài ra, thị trường cũng giảm bớt kỳ vọng về số lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, cho rằng ngân hàng trung ương này chỉ có 5 đợt hạ lãi suất trong cả năm, thay vì 6 lần như kỳ vọng trước đây.

Tâm lý thận trọng đã gia tăng sau khi nhiều số liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây đều mạnh hơn dự báo. Trong đó, tiêu dùng trong tháng 12 bất ngờ tăng trưởng 0,6% so với tháng trước và số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Ngoài ra, một số quan chức Fed –  gồm Thống đốc Christopher Waller, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams và Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic – đã đưa ra những phát biểu với ẩn ý rằng họ chưa vội giảm lãi suất cho dù chiến dịch tăng lãi suất có thể đã hoàn tất.

RỦI RO LÃI SUẤT CÒN TĂNG

“Tôi không muốn trói tay mình, và chúng tôi vẫn còn vài tuần dữ liệu nữa phải theo dõi. Hãy nhìn vào dài hạn. Nếu tiếp tục đạt được những bước tiến nhanh hơn dự báo về lạm phát, chúng tôi có thể sẽ bắt đầu tính đến việc giảm bớt mức độ cứng rắn”, ông Goolsbee nói với CNBC.

Nhà hoạch định chính sách tiền tệ này nói một lĩnh vực ông đặc biệt quan tâm là lạm phát giá nhà ở. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 cho thấy lạm phát giá nhà ở – nhóm chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 trong rổ hàng hoá, dịch vụ tính CPI của Mỹ – tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2%.

Tuy nhiên, các số liệu khác lại nói lên một câu chuyện khác về giá nhà ở. Một chỉ số mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát đang giảm nhanh ở nhóm nhà ở. Dựa trên giá các hợp đồng thuê nhà mới ký, chỉ số cho thấy mức giảm 4,6% trong quý 4/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Nhà kinh tế trưởng Andrew Hollenhorst của Citigroup nhận định rằng trong ngắn hạn, “dữ liệu lạm phát sẽ tiếp tục hợp tác với chủ trương xoay trục sang mềm mỏng của Fed”. Tuy nhiên, Citi dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ dai dẳng và có khả năng sẽ khiến Fed phải đợi đến tháng 6 mới có thể giảm lãi suất.

Không ai dám chắc thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất sẽ dẫn tới khác biệt như thế nào, hoặc việc Fed giảm lãi suất với số lần ít hơn kỳ vọng của thị trường sẽ gây ra xáo trộn ra sao. Tuy nhiên, có một điều mà giới chuyên gia tin chắc là tình hình của thị trường có vẻ có sự ràng buộc mật thiết với chính sách tiền tệ.

Có nhiều yếu tố có thể khiến các kỳ vọng lãi suất thay đổi theo cả hai chiều hướng. Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm, Fed có thể lo ngại rằng lạm phát sẽ trỗi dậy. Hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang hay tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự báo cũng có khả năng dẫn tới mối lo tương tự ở Fed.

“Những diễn biến kinh tế và địa chính trị như vậy để ngỏ khả năng lạm phát tăng trở lại, gây áp lực tăng lên cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn”, Chủ tịch Komal Sri-Kumar của công ty tư vấn Sri-Kumar Global Strategies nhận định trong một báo cáo. “Liệu Fed có buộc phải tăng lãi suất nữa trong động thái tiếp theo, thay vì giảm lãi suất, hay không? Đây là một ý nghĩ thú vị. Đừng bất ngờ nếu có thêm những cuộc tranh luận về vấn đề này trong những tháng sắp tới”.

Theo Vneconomy

Được sưu tầm và biên soạn bởi team FXVIET.COM.VN

Xem thêm các tin tức tài chính thế giới tại đây.

0865 205 590