Những tháng cận Tết Nguyên đán, các ngân hàng liên tục tung ra nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng vốn lưu động cuối năm. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà với các “nguồn vốn giá rẻ”. Làm thế nào để có thể kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Nhiều gói ưu đãi vay dịp cuối năm
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng đã tăng trưởng 13.5% so với đầu năm. Lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Sang năm 2024, theo chủ trương của Chính phủ, ngành ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN cũng đã triển khai các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm. Đáng chú ý, NHNN giao hết một lần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm ngay từ đầu năm là 15% cho các ngân hàng, đồng thời công bố công khai để các ngân hàng chủ động tăng trưởng tín dụng.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịp cận Tết, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất.
Trong tháng 12/2023, HDBank (HM:HDB) đã có Chương trình 10,000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng trên cả nước tăng tốc sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ các nhu cầu mua sắm, phục vụ đời sống vào dịp cuối năm.
Theo đó, gói tín dụng 5,000 tỷ đồng thông qua chương trình “Vay mới đời phơi phới, lãi suất 0%”, HDBank dành ưu đãi lãi suất 0% tháng đầu tiên cho các khách hàng cá nhân vay mới hoặc khách hàng cá nhân hiện hữu muốn vay thêm; các tháng còn lại mức lãi suất theo quy định hiện hành của HDBank. Với khách hàng doanh nghiệp, HDBank tiếp tục bổ sung gói ưu đãi với quy mô 5,000 tỷ đồng, lãi suất 0% trong tháng đầu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho mục đích chi lương, thưởng vào dịp cuối năm. Các tháng tiếp theo, khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6.7%/năm.
Cận Tết Nguyên đán, Sacombank (HM:STB) triển khai gói vay 10,000 tỷ đồng, vay trong thời gian từ 01/12/2023 – 31/01/2024, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh dịp cuối năm. Lãi suất là 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5.5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng.
Đối với gói 1,000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh trung – dài hạn và mua xe ô tô dành cho doanh nghiệp, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 12 tháng còn 8%/năm. Gói vay triển khai đến hết ngày 31/12/2023.
Đối với khách hàng cá nhân, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất gói 15,000 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1 – 3 tháng, 6.5%/năm kỳ hạn 4 – 6 tháng, triển khai đến hết ngày 31/01/2024.
Gần đây nhất, BVBank thông báo, từ ngày 08/01/2024, khách hàng cá nhân vay vốn tại BVBank với các mục đích vay khác nhau sẽ nhận được mức lãi suất vay ưu đãi, chỉ từ 5%/năm. Chương trình áp dụng đối với các khoản vay giải ngân mới với mục đích vay mua/sửa chửa nhà đất để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh. Ông Ngô Minh Sang – Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân BVBank chia sẻ: “Hy vọng với mức lãi suất vay mới này, chỉ 5%/năm, BVBank sẽ tiếp tục được đồng hành cùng các cá nhân, hộ kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, nhà ở, khởi đầu một năm mới thuận lợi”.
Vietbank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 4.5%/năm, thời hạn vay lên đến 12 tháng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của khách hàng.
VietABank triển khai chương trình “Vay ưu đãi, lãi sẻ chia”, giúp khách hàng sẵn sàng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, an tâm dự trữ hàng hóa trong thời gian từ 22/12/2023 – 31/12/2024. Hạn mức của chương trình lên đến 200 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 8.7%/năm trong suốt thời gian vay, dành cho khách hàng là cá nhân có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động.
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà vay?
Dù lãi suất đã về mức thấp, doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu vay, vì thị trường chưa phục hồi.
Bà Hồ Trúc Lam – Giám đốc CTCP Thực phẩm Horeca Food cho biết, đa số các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ khó đạt được chuẩn cho vay. Ngoài việc không có tài sản thế chấp, những năm qua lợi nhuận hầu như không có và ngân hàng không thể cho vay dưới tiêu chuẩn. Đối với thực tế các doanh nghiệp hiện nay, bài toán không nằm ở doanh nghiệp mà nằm ở kích cầu tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Do đó, nếu ngân hàng nới rộng được khoản vay tiêu dùng cá nhân hoặc tín chấp sẽ là hướng cởi mở hơn cho doanh nghiệp có thể vượt qua thời điểm này. Đây là động lực để kích cầu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ở phía ngân hàng, Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng TMCP tại TPHCM cho hay, lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp bình quân từ 8 – 9%/năm. Nhu cầu vay tại các doanh nghiệp cũng tương đương năm trước, dù đang thời điểm cận Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không dám vay nhiều, do tình hình khó khăn nên không dám mở rộng sản xuất kinh doanh. Riêng về lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp vẫn chưa muốn vay vốn, chưa dám triển khai dự án, vì khách hàng mua nhà chưa thực sự sôi động.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, tổ chức ngày 08/01 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi.
Thủ tướng mong muốn các ngân hàng tiếp tục nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và NHNN, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh; chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.
PGS (HN:PGS).TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế chia sẻ, nói đến chính sách cho vay ưu đãi cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới chỉ có chính sách ưu đãi cho hoạt động nông, lâm, thủy sản. Tùy từng ngành nghề, lĩnh vực mà NHNN có yêu cầu riêng, từ đó có biện pháp hỗ trợ ngân hàng có thể cho vay ưu đãi với các lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân.
Thực ra, việc cho vay đối với người mua bán hàng hóa, vật tư lại thuộc về cho vay tiêu dùng và cơ chế chính sách về cho vay tiêu dùng đã có.
Nhìn chung, làm thế nào để khuyến khích người dân chi tiêu, kích cầu kinh tế, hiện nay chỉ có mỗi việc giảm thuế VAT 2% nhằm khuyến khích việc này. Việc giảm thuế sẽ giúp hạ giá thành của từng sản phẩm hàng hóa cũng như hạ giá bán của các sản phẩm xuống, từ đó kích thích người tiêu dùng tăng mua các mặt hàng khác nhau trong nền kinh tế.