Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lỗ 114.3 tỷ USD trong năm 2023, mức lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Đây là hệ quả của các chính sách giảm lãi suất quyết liệt trong năm 2020 và 2021, rồi sau đó nâng mạnh lãi suất để chống lạm phát.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu do số tiền lãi mà Fed phải trả cho trái phiếu Chính phủ, chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp cũng như tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tăng lên đáng kể. Đây là kết quả của chiến dịch nâng lãi suất từ tháng 3/2022 lên hơn 5%, mức cao nhất trong 20 năm qua.
Khoản lỗ này không ảnh hưởng tới các hoạt động thường ngày của Fed và cũng không cần phải yêu cầu được Bộ Tài chính Mỹ bơm vốn. Không như các cơ quan liên bang khác, Fed không phải đến Quốc hội để xin cấp vốn để trang trải các khoản lỗ. Thay vào đó, Fed chỉ cần tạo ra IOU trên bảng cân đối kế toán bằng đúng giá trị khoản lỗ, họ gọi đây là “các tài sản trả chậm”.
Trước đây, Fed gần như luôn luôn có lãi và họ phải chuyển phần lợi nhuận (sau khi đã trừ các chi phí hoạt động) cho Bộ Tài chính Mỹ. Tuy vậy, đến năm 2022, Fed bắt đầu lỗ và khiến tình trạng thâm hụt tài khóa trở nên nặng nề hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Fed đã chuyển 76 tỷ USD lợi nhuận cho Bộ Tài chính. Cũng trong tháng 9 năm đó, họ bắt đầu có lỗ và khép năm 2022 với mức lỗ 16.6 tỷ USD.
Khoản lỗ của năm 2023 sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt tài khóa của Mỹ và từ đó họ phải chào bán thêm trái phiếu Chính phủ để bổ sung ngân sách. Fed có thể tiếp tục lỗ khi lãi suất ngắn hạn ở mức hiện tại.
Theo Vietstock