Nền kinh tế lớn nhất châu Âu thu hẹp trong năm 2023
Trong năm 2023, kinh tế Đức giảm 0.3% so với năm trước, khi lạm phát cao và lãi suất ngày càng tăng kìm hãm tăng trưởng, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết trong ngày 15/01.
Ước tính trên cũng khớp với kỳ vọng của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
“Tiến trình phát triển của kinh tế Đức chững lại trong năm 2023 trong môi trường đầy rẫy các cuộc khủng hoảng”, Ruth Brand, Chủ tịch của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (FSOG), chia sẻ. “Bất chấp sự hạ nhiệt gần đây, giá cả vẫn còn cao. Càng bồi thêm rắc rối cho bối cảnh hiện tại là các điều kiện tài trợ không thuận lợi vì lãi suất ngày càng tăng và nhu cầu thấp hơn ở cả nội địa lẫn nước ngoài”.
Lĩnh vực sản xuất – ngoại trừ xây dựng – giảm 2% so với cùng kỳ, dẫn đầu là mức giảm sản lượng của lĩnh vực cung ứng năng lượng.
Quý 4/2023 cũng ghi nhận mức giảm 0.3% so với quý trước. FSOG cho biết nền kinh tế Đức đã chững lại từ quý 3/2023.
Nền kinh tế Đức đang trong vòng xoáy khủng hoảng ngân sách sâu sắc từ cuối năm 2023 sau khi Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết cho rằng chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã vi phạm quy định nợ công khi chuyển gần 60 tỷ Euro, vốn dành cho các hoạt động khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 song chưa sử dụng, sang quỹ chống biến đổi khí hậu. Quyết định này đang làm đảo lộn kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Đức cho tài khóa 2024.
Điều này dẫn tới Đức có nguy cơ thâm hụt 17 tỷ Euro (tương đương 18.66 tỷ USD) trong ngân sách năm 2024.
Chính sách “phanh nợ” của Đức được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 0.35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính sách này được miễn thực thi trong giai đoạn 2020-2022 để có thể gia tăng các khoản chi tiêu công khẩn cấp đối phó với cuộc khủng hoảng. Năm 2023, chính sách này được áp dụng trở lại và đây là lý do Tòa án Tối cao Đức không chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng số tiền 60 tỷ Euro nói trên.
Theo CNBC