Tiền gửi tăng mạnh gây bất ngờ bởi lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 8/1, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Theo đó, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất từ trước đến nay, và ước tính riêng quý IV tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.
Còn theo số liệu tiền gửi từng tháng, mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng cập nhật dữ liệu về số dư tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2023 đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư là hơn 6,4 triệu tỷ và tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 6,25 triệu tỷ đồng. So với tháng 9, tiền gửi của dân cư tăng thêm 422 tỷ đồng và doanh nghiệp tăng thêm 23.554 tỷ đồng. Trên thực tế, mức tăng trưởng tiền gửi trong tháng 10 khá khiêm tốn, tổng cộng chỉ tăng thêm gần 24.000 tỷ, chỉ bằng 1/10 so với tháng 9 và 1/7 so với tháng 8.
Đối chiếu với số liệu phía trên, nhiều khả năng tiền gửi vào ngân hàng đã tăng đột biến trong 2 tháng cuối cùng của năm 2023 với mức bình quân 400.000 tỷ đồng/tháng, là mức tăng chưa từng thấy trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tiền gửi tăng mạnh cũng gây bất ngờ bởi lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục. Hiện các ngân hàng lớn không chỉ nhóm Big 4 (Vietcombank (HM:VCB), VietinBank, BIDV (HM:BID), Agribank) mà còn các ngân hàng tư nhân cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống quanh mốc 5%/năm.
Theo Người Quan Sát