Theo TS. Nguyễn Bích Lâm thì Chính phủ và các địa phương cần thực hiện 6 nhóm giải pháp để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, tạo đà thuận lợi phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 TS. Nguyễn Bích Lâm (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê) kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần thực hiện 6 nhóm giải pháp sau:
Một là, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng hiện nay, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ và các địa phương cần xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết dựa trên năng lực cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Khơi thông các nguồn lực, gắn tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương. Chính phủ tiếp tục phát huy tinh thần khẩn trương, sát sao, cụ thể trong chỉ đạo điều hành, thực thi nghiêm chế tài đối với cán bộ công chức vô trách nhiệm.
Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó ưu tiên thực hiện chính sách tài khóa hợp lý hỗ trợ tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, Chính phủ cần cập nhật, điều chỉnh kịp thời các giải pháp phù hợp với thay đổi của kinh tế thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước cần kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa với nhu cầu, đảm bảo lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế, giữ giá trị Việt Nam đồng, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.
Ba là, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả.
Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần cải thiện cơ chế quản lý đầu tư, tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách.
Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.
Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), Chính phủ nên bố trí GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.
Bốn là, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới.
Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.
Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới và phải mất 15 năm để trở thành cường quốc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Dệt, may không còn là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu mà được thay thế bởi sản phẩm công nghệ cao. Chính phủ cần xác định cụ thể phải làm gì; tập trung đầu tư, phát triển ngành nào trong lĩnh vực công nghệ cao; liệu chăng Việt Nam có thể rút ngắn thời gian để biến tiềm năng thành hiện thực, trở thành cường quốc trong xuất khẩu công nghệ cao.
Năm là, Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Điện là loại năng lượng quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cùng với đó, Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách, giải pháp để giá điện dần vận hành theo cơ chế thị trường; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; nghiên cứu ban hành chế tài, quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện gây thiệt hại sản xuất.
Cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà xưởng sản xuất để chủ động ứng phó với các biến động không thuận về năng lượng, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao.
Sáu là, bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi nhanh, phức tạp; ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, không thể trì hoãn, đang làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới ngay trong thập kỷ này.
Cùng với đó, chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp lại trong một trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, muốn phát triển Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng kinh tế thế giới.
Vì vậy, Chính phủ phải nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển. Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.
Với lợi thế của đất nước có tình hình chính trị và môi trường vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý đầy đủ, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện; nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô và tầm vóc; vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có sức hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới muốn đến đầu tư. Đảng và Nhà nước cần khẩn trương hành động với tư duy đột phá, nắm bắt thời cơ kiến tạo các động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, không bỏ lỡ cơ hội rồi tụt hậu.
Với phương châm bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, với năng lực và kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ cùng sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam sẽ hoá giải được những khó khăn, bất cập, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Theo Vietstock