Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ đóng cửa, điều này xảy ra chỉ 3 tháng sau khi nợ công Mỹ vượt qua mốc 33.000 tỷ USD, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng vọt.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ quốc gia (nợ công) của nước này vượt mốc 34.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 29/12/2023.
“THÀNH TÍCH ĐÁNG BUỒN”
Diễn biến này xảy ra chỉ vài tuần trước thời hạn Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch phân bổ ngân sách liên bang mới. Điều này cũng xảy ra chỉ 3 tháng sau khi nợ công Mỹ vượt qua mốc 33.000 tỷ USD, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng vọt.
Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban về Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB) – một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận, gọi kỷ lục nợ công mới của Mỹ là một “thành tích đáng buồn”.
“Dù mức nợ công đang ở mức nguy hiểm cho cả nền kinh tế lẫn an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ không thể ngừng vay nợ”, bà MacGuineas nói trong một tuyên bố ngày 3/1.
Theo CNN, một điều đáng lo ngại nữa là nợ công Mỹ ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trạng thái tương đối khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp – vốn được xem là trạng thái tốt để kìm hãm thâm hụt ngân sách. Bởi thông thường, trong các giai đoạn kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao, chính phủ tăng chi tiêu nhằm kích thích tăng trưởng.
Nợ công đang là vấn đề gây tranh cãi lớn giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ, khiến tình trạng bế tắc trong việc phê duyệt ngân sách liên bang càng thêm trầm trọng. Điều này lại một lần nữa đẩy Chính phủ Mỹ vào nguy cơ đóng cửa.
Những năm gần đây, nợ công Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống thuộc cả hai đảng tăng mạnh. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng các chương trình chi tiêu liên bang do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất quá tốn kém, trong khi phe Dân chủ cho rằng chính sách giảm thuế năm 2017 mà đảng Cộng hòa ủng hộ – dưới thời Tổng thống Donald Trump – khiến nguồn thu ngân sách sụt mạnh. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ đại dịch Covid-19 liên bang khổng lồ – được tung ra bởi chính quyền của cả hai Tổng thống – cũng góp phần khiến nợ công tăng nhanh.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Michael Kikukawa nói rằng nợ công tăng lên chủ yếu do các chính sách nghiêng về “các tập đoàn lớn và người giàu” được thực hiện nhiều lần của đảng Cộng hòa, khiến ngân sách cho chương trình an sinh xã hội, Medicare và Medicaid bị cắt giảm, ảnh hưởng tới dân thường Mỹ.
Theo ông Kikukawa, ông Biden có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2.500 tỷ USD bằng cách “khiến giới giàu và các tập đoàn lớn phải nộp thuế công bằng hơn và cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí vào những hỗ trợ đặc biệt”, bao gồm cả các công ty dược phẩm và dầu mỏ lớn.
CHÍNH PHỦ MỸ ĐỐI MẶT NGUY CƠ ĐÓNG CỬA
Dù trách nhiệm thuộc phe nào, nợ công tăng vọt cùng với bế tắc chính trị liên quan tới vấn đề này đã khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Tháng 8/2023, Fitch hạ xếp hạng nợ quốc gia của Mỹ từ mức AAA xuống AA+. Tới tháng 11, Moody’s cảnh báo có thể hạ xếp hạng AAA – xếp hạng cao nhất – của nước này.
Trong tháng 1 và tháng 2, các nhà lập pháp tại Mỹ phải thông qua kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2024 (bắt đầu từ ngày 1/10). Quốc hội Mỹ trước đó đã thông qua hai dự luật chi tiêu tạm thời ngăn việc chính phủ vào đóng cửa vào ngày 17/11 năm ngoái.
Trong đó, dự luật gần nhất, được thông qua vào giữa tháng 11, sẽ duy trì ngân sách cho chính phủ chi tiêu ở mức hiện tại đến ngày 19/1/2024, cho các ưu tiên bao gồm nông nghiệp, xây dựng quân sự, chương trình cựu chiến binh, giao thông, nhà ở và Bộ Năng lượng. Còn nguồn ngân sách cho tất cả các hoạt động liên bang khác, bao gồm cả quốc phòng, sẽ hết hạn vào ngày 2/2/2024. Ngân sách gia hạn sẽ không bao gồm các khoản trợ cấp thêm cho Ukraine hoặc Israel.
Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu xuống các mức đã thông qua trong thỏa thuận về trần nợ công vào tháng 6 năm ngoái. Thỏa thuận này cho phép chính phủ liên bang tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn và ngăn chặn một vụ vỡ nợ. Thỏa thuận này đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm tính đến ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Dân chủ dẫn đầu bác bỏ đề xuất giảm thuế của phe Cộng hòa.
Lãnh đạo lưỡng viện đang đàm phán mức ngân sách cao nhất có thể cho năm tài khóa 2024 khi nguy cơ đóng cửa Chính phủ lại xuất hiện. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang muốn thành lập một ủy ban nợ với sự tham gia của cả hai đảng để giải quyết tình trạng mà ông gọi là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia”.
“Chúng tôi vẫn hi vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn nữa để giảm nợ công, như tăng thuế, giảm chi tiêu hoặc lập một ban cố vấn tài khóa – hoặc lý tưởng nhất là thực hiện tất cả các biện phám này”, ông MacGuineas nói.
Gánh nặng nợ công tăng nhanh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác đang là mối lo ngại lớn trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh gần đây. Lãi suất tăng khiến chi chi phí trả lãi vay tăng đáng kể. Trong năm tài khóa 2023, chi phí lãi ròng cho các khoản vay của Chính phủ Mỹ tăng 39% so với năm trước đó và gần gấp đôi so với năm tài khóa 2020 – theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo tổ chức Peter G. Peterson Foundation, mỗi ngày Chính phủ Mỹ phải chi 2 tỷ USD để trả lãi cho các khoản vay. Bộ Tài chính Mỹ dự báo tới cuối tháng 3/2024, Chính phủ sẽ vay thêm gần 1.000 tỷ USD.
“Nợ công ở mức cao và ngày càng tăng là vấn đề nghiêm trọng bởi điều này đe dọa tới tương lai của nền kinh tế Mỹ”, Peter G. Peterson Foundation nhận định trong một thông cáo ngày 3/1.
Tổ chức này dự báo trong vòng 10 năm tới, chính quyền liên bang sẽ phải trả tiền lãi nhiều hơn so với tổng chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, cơ sở hạ tầng và giáo dục cộng lại.
Theo Vneconomy
Được sưu tầm và biên soạn bởi team FXVIET.COM.VN
Xem thêm các tin tức tài chính thế giới tại đây.