Cán cân quyền lực trên thị trường dầu khí toàn cầu bao gồm OPEC, Saudi Arabia và các quốc gia Ả Rập khác đang lung lay khi Mỹ chính thức đẩy mạnh nguồn cung dầu trên thị trường.
Ngành năng lượng dầu khí đá phiến của Mỹ đang trỗi dậy mạnh mẽ, đến thời điểm hiện tại, Mỹ là nhà sản xuất dầu thô số một trên thế giới và cũng là nhà sản xuất khí đốt số một, theo trang Oil Price.
Tính toán “Sai một li, đi nhiều dặm”
Từ khởi đầu khiêm tốn, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng trung bình dưới 0,2 triệu thùng/ngày trong năm 2011 và 2012. Tuy nhiên, đến năm 2013, mức tăng sản lượng có đường biểu diễn gần thẳng đứng.
Đến năm 2014, Saudi Arabia hiểu rằng dầu khí đá phiến của Mỹ gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với vị thế của họ trên thế giới và vai trò thống trị của hoàng gia Al Saud.
Tính toán của Saudi tạm đúng ở cả hai khía cạnh trong giai đoạn này. Thứ nhất, quyền lực thực sự duy nhất của vương quốc này trên thế giới đến từ tài nguyên dầu mỏ. Thứ hai, về mặt đối nội, quyền lực của hoàng gia hoàn toàn bắt nguồn từ sự giàu có của vương quốc.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, người Saudi dự tính rằng nếu họ phá hủy hoặc ít nhất là vô hiệu hóa đáng kể lĩnh vực dầu đá phiến mới ra đời của Mỹ, thì sức mạnh dầu mỏ của Saudi sẽ tồn tại lâu hơn nữa.
Và Saudi làm điều này bằng cách phát động một cuộc chiến giá dầu toàn diện, trong đó họ và những người anh em OPEC sẽ đẩy cung vượt cầu trên thị trường, dìm giá xuống mức có thể khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ phá sản.
Saudi tự tin rằng cuộc chiến này sẽ thành công, vì họ đã chiến thắng trong cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ thời kỳ 1973 – 1974.
Nhiều người cũng cho rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có điểm hòa vốn ở đâu đó trên mức 70 USD của dầu Brent – dầu thô Brent là một phân loại thương mại đóng vai trò chính trong việc kiểm chuẩn giá dầu trên toàn thế giới.
Nhưng mọi việc không hề diễn ra theo cách tính toán của Saudi Arabia. Và thảm họa kinh tế và chính trị xảy ra với Saudi là nguyên nhân chính khiến nước này rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.
Mỹ ráo riết khai thông các mỏ dầu
Trong khi đó, nhìn chung về mặt dầu khí Mỹ ngày càng tiến tới vai trò thống lĩnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ là nhà sản xuất dầu thô số một trên thế giới và là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên số một.
Giai đoạn cuối cùng của việc Mỹ loại các nhà sản xuất khí đốt hydrocarbon lớn của Trung Đông đang tiếp tục.
Ba cuộc đấu giá cho thuê mỏ dầu và khí đốt mới ở vịnh Mexico đã được Bộ Nội vụ Mỹ ký kết. Những dự án này sẽ bổ sung cho nhiều dự án thăm dò và phát triển mới khác theo phương pháp truyền thống và đá phiến được các công ty dầu khí lớn của Mỹ công bố trong năm qua.
Thậm chí Mỹ còn bật đèn xanh cho dự án khoan dầu và khí đốt Willow trị giá 8 tỉ USD của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ ConocoPhillips của Mỹ ở Alaska.
Nguồn Vnexpress.net