Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như đang làm hành lang chuẩn bị cho việc kết thúc chính sách lãi suất âm tại xứ sở mặt trời mọc khi Phó Thống đốc BoJ Ryozo Himino và các thành viên khác đều tỏ ra lạc quan về tăng trưởng giá cả và tiền lương.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp ngày 06/12, ông Himino cho biết việc chấm dứt chính sách lãi suất âm sẽ gây tác động tương đối ít với nền kinh tế Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ cẩn trọng đánh giá tình hình và xem xét thời điểm, quy trình kết thúc chính sách lãi suất âm”, ông nói.
Ông Himino kỳ vọng tác động sẽ khá hạn chế đối với người tiêu dùng và các định chế tài chính, nhưng có thể gây khó khăn nhiều hơn cho một số công ty.
“Tôi nghĩ lĩnh vực hộ gia đình – vốn là nơi tích lũy tiền tiết kiệm vượt trội – sẽ chứng kiến sự cải thiện trong cán cân thanh toán”, ông nói. Các định chế tài chính có thể đối mặt “một số căng thẳng trong ngắn hạn”, nhưng sẽ thấy việc quản lý dễ dàng hơn “so với trong môi trường lãi suất thấp kéo dài”.
NHTW Nhật Bản đã nới lỏng tiền tệ cực độ kể từ năm 2013, duy trì lãi suất thấp để chấm dứt hàng thập kỷ giảm phát và khôi phục niềm tin của người tiêu dùng vào giá cả.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc tất cả tình huống có thể xảy ra nếu BoJ quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm”, ông Himino chia sẻ. Ông không đề cập rõ thời điểm đưa ra quyết định, chỉ nói rằng BoJ “chưa thể đưa ra đánh giá tại thời điểm này”.
Về việc đạt mục tiêu lạm phát 2% của BoJ – một điều kiện để họ chấm dứt chính sách lãi suất âm, ông Himino cho rằng “chu kỳ đi lên của giá cả đang dần được tạo lập và tôi hy vọng chúng sẽ trở nên mạnh hơn trong tương lai”.
Trong tháng 10/2023, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI lõi) của Nhật Bản – trong đó loại trừ thực phẩm tươi sống – tăng 2.9% so với cùng kỳ, vượt mục tiêu của BoJ trong 19 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, tiền lương thì không bắt kịp với lạm phát. Theo dữ liệu tháng 9/2023, tiền lương điều chỉnh lạm phát giảm 18 tháng liên tiếp.
Ông Himino cho biết “có một kịch bản khả dĩ rằng tiền lương sẽ tăng trưởng khá và ổn định cho tới năm tài chính kế tiếp”.
Nội bộ của BoJ cũng đang dần thay đổi quan điểm. Trong cuộc họp tháng 11/2023, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết khả năng đạt mục tiêu lạm phát “đang dần tăng lên”.
Hồi tháng 11/2023, Toyoaki Nakamura, thành viên trong ủy ban ra chính sách của BoJ, lưu ý tới các tín hiệu cho thấy tăng trưởng tiền lương danh nghĩa sẽ vượt tăng trưởng giá cả. Ông nói thêm “các công ty đang tiến triển trong việc củng cố khả năng tạo lợi nhuận”.
Nakamura từ lâu đã thận trọng với những điều chỉnh về chính sách do lo ngại về tác động đối với doanh nghiệp. Ông đã bỏ phiếu phản đối việc điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, nói rằng “việc điều chỉnh chính sách sẽ hợp lý hơn sau khi chắc chắn rằng năng lực tạo lợi nhuận của các công ty đã tăng lên”.
Một thành viên khác là Seiji Adachi kêu gọi tiếp tục nới lỏng tiền tệ quy mô lớn. Trong cuộc họp tháng 11/2023, ông cảnh báo “có rủi ro lạm phát sẽ tăng mạnh”.
“Điều này cho thấy môi trường giảm phát – nơi cuộc chiến giá chiếm ưu thế – sẽ trải qua những thay đổi lớn”, ông nói thêm.
Trong tháng 6/2023, ông Adachi cảnh báo hậu quả từ chính sách lãi suất âm hiện tại sẽ lớn hơn trong dài hạn. Ông vẫn cẩn trọng cho rằng BoJ “chưa tới giai đoạn để bàn về chuyện chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm”. Tuy vậy, quan điểm của ông về lạm phát đang dần thay đổi.
NHTW Nhật Bản đang trong quá trình đánh giá lại 10 năm nới lỏng chính sách cực độ. Trong hội thảo ở trụ sở NHTW Nhật Bản diễn ra vào ngày 04/12, những người tham gia nhận được báo cáo cho biết thanh khoản trên thị trường trái phiếu “nhìn chung tệ hơn” vì nới lỏng tiền tệ cực độ. BoJ đã công bố nội dung báo cáo trong ngày 06/12.
Hiện thị trường xuất hiện nhiều lời đồn rằng BoJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào nửa đầu năm 2024, nhiều chuyên gia cho rằng BoJ đang dọn đường cho quá trình bình thường hóa chính sách.
Theo Vietstock