Đối với các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, đồng USD yếu hơn có nghĩa là họ phải trả ít hơn cho những mặt hàng thiết yếu. Điều này có thể giúp giảm lạm phát tổng thể ở các nền kinh tế đó.
Chỉ số USD, thước đo tiền tệ của Mỹ so với sáu đồng tiền chủ chốt, đang tiến tới mức giảm 3,7% trong tháng 11/2023. Đây cũng là tháng hoạt động có hiệu suất tồi tệ nhất trong năm của “đồng bạc xanh.”
Việc đồng USD – đồng tiền thanh toán phổ biến nhất trên toàn cầu – giảm giá là tin tốt cho các quốc gia dựa vào nhập khẩu hàng hóa, cũng như các quốc gia đang phải trả nợ bằng đồng tiền này. Nhưng đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, đó có thể không phải là một tin tốt.
Chỉ số USD đã tăng liên tục hơn 7% từ giữa tháng Bảy đến đầu tháng 10/2023, nhờ một loạt dữ liệu kinh tế tích cực của nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian nữa.
Lãi suất cao hơn có xu hướng làm tăng giá trị của đồng tiền, bằng cách thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài vào trong nước – vì các nhà đầu tư dự đoán sẽ kiếm được lợi nhuận cao hơn – làm tăng nhu cầu về tiền tệ.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện một số dấu hiệu giảm tốc. Các thị trường ngày càng nghiêng về dự đoán Fed sắp hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và sẽ sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia Ulrich Leuchtmann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank, nhận định: “Đồng USD có thể sẽ suy yếu thêm hai quý nữa, đặc biệt khi xu hướng cắt giảm lãi suất của Fed ngày càng rõ ràng hơn.”
Chuyên gia Cameron Willard, từ nhóm thị trường vốn Vương quốc Anh tại ngân hàng Thụy Điển Handelsbanken, cũng tin rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024.
Nhưng ông cho biết thêm giá trị của đồng bạc xanh có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm sau do rủi ro địa chính trị – chẳng hạn như sự không chắc chắn xung quanh kết quả của cuộc bầu cử ở một số quốc gia.
Đối với các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, đồng USD yếu hơn có nghĩa là họ phải trả ít hơn cho những mặt hàng thiết yếu, như lúa mỳ và dầu thô. Điều này có thể giúp giảm lạm phát tổng thể ở các nền kinh tế đó.
Mặc dù việc đồng nội tệ giảm giá được coi là bất lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Nhưng chuyên gia kinh tế Mark McCormick, người đứng đầu chiến lược ngoại hối toàn cầu và các thị trường mới nổi tại công ty chứng khoán TD Securities, đánh giá các nhà xuất khẩu Mỹ cũng sẽ hưởng lợi. Vì khi giá sản phẩm của họ giảm, hàng hóa của họ sẽ trở nên cạnh tranh hơn ở nước ngoài.
Đồng thời, đồng USD có giá trị thấp hơn sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu vào Mỹ, giúp các công ty trong nước có lợi thế giá cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu giá cao.
Đó cũng là tin tốt cho các thị trường mới nổi. Một số nền kinh tế đang phát triển có các khoản nợ nước ngoài tính bằng đồng USD. Khi đồng USD yếu hơn sẽ giúp họ thanh toán các khoản nợ ít tốn kém hơn.
Chuyên gia McCormick cho rằng giá trị của đồng bạc xanh giảm cũng báo hiệu các cơ hội đầu tư tốt hơn bên ngoài Mỹ. Ông nói: “Đồng USD yếu đi sẽ tạo đợt sóng thúc đẩy các nhà đầu tư vươn ra thế giới.”
Nhưng đây không phải là tin tốt với người tiêu dùng Mỹ. Khi đồng USD giảm giá, họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa nhập khẩu cũng như chi phí các kỳ nghỉ ở nước ngoài.
Chuyên gia Leuchtmann nói: “Về cơ bản, đồng USD suy yếu khiến Mỹ nghèo hơn một chút, vì họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa họ nhập khẩu và nhận được ít hơn cho hàng hóa họ xuất khẩu.”
Ông lưu ý trong bối cảnh các yếu tố khác không đổi, việc đồng USD suy yếu nếu diễn ra trong thời gian dài với tốc độ cao có khả năng sẽ gây ra lạm phát do giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên kịch bản lạm phát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bên ngoài giá cả.
Chuyên gia Willard chỉ ra rằng thị trường lao động và nhà ở của Mỹ đang hạ nhiệt. Hai yếu tố này có khả năng kiểm soát lạm phát, ngay cả khi giá nhập khẩu tăng. Ông khẳng định: “Tôi không nghĩ Fed sẽ quá lo lắng trong giai đoạn hiện nay”./.
Theo Vietstock